Công trình Trường THPT Võ Chí Công được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với số vốn đầu tư 24 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư. Công trình này đang trong giai đoạn san ủi mặt bằng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thi công đã phát sinh nhiều vấn đề như nguy cơ sạt lở, trượt đất ở thành taly dương, địa chất yếu, mạch nước ngầm lớn và thời tiết mưa kéo dài.
Công trình Trường THPT Võ Chí Công đang thi công nhưng có nguy cơ sạt lở taly dương |
Ngày 7/9, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ông Trần Đình Tùng đã có chuyến khảo sát tiến độ thi công Trường THPT Võ Chí Công.
Qua khảo sát, ông Trần Đình Tùng đã thống nhất chủ trương bổ sung thiết kế cho xây bở kè để chống sạt lở, đồng thời giao cho Sở GD-ĐT tỉnh phối hợp với các sở ngành liên quan và đơn vị thiết kế, thi công cùng với UBND huyện Tây Giang nghiên cứu đề xuất những phương án tối ưu nhằm khắc phục những khó khăn để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2018-2019.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngày 19/9, ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cùng lãnh đạo huyện Tây Giang và đơn vị thiết kế (Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Quảng Nam) cùng đơn vị thi công (Công ty TNHH xây dựng Thanh Tiến) đã tiến hành khảo sát lần cuối để triển khai các phương án chống trượt lở đất ảnh hưởng đến công trình.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT, huyện Tây Giang đang trao đổi với đơn vị thiết kế cách khắc phục sạt lở. |
Ông Đinh Minh Trí (Giám đốc công ty TNHH xây dựng Thanh Tiến) cho biết, đến thời điểm hiện nay, công trình này cơ bản đã hoàn thành mặt bằng khu trường học và nội trú. Tuy nhiên, trong quá trình thi công do cấu trúc địa chất yếu, có mạch nước ngầm chạy qua nên dẫn đến nguy cơ sạt lở đất từ taly dương xuống rất lớn.
Hiện trên ta luy dương đã xuất hiện vết nức dài trên 20m, sâu 1m, rộng khoảng 40cm. Muốn khắc phục sự cố này bắt buộc đơn vị thi công phải múc thêm khoảng 30m tới nữa để giật cấp và tiến hành kè bê tông, xây hệ thống thoát nước; như vậy, phải tiếp tục đền bù đất đai hoa màu cho người dân.
“Công tác đền bù cho dân phải triển khai ngay để nhà thầu tiếp tục thi công, nếu chậm trễ sẽ kéo theo nhiều công việc khác chậm theo. Hiện nay, đang bước vào mùa mưa nên nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Tiến nói.
Chủ tịch UBND xã Axan - ông Hồ Văn Nhia kiến nghị đơn vị thi công phải đảm bảo việc đổ đất múc đúng quy định, tránh tràn lấp ruộng của dân. Xã sẽ tổ chức họp dân để thống nhất việc đền bù diện tích đất phát sinh để nhanh chóng tiến hành kè. Bên cạnh đó, sẽ vận động người dân hưởng ứng hiến đất làm trường học cho con em mình.
Bí thư huyện Tây Giang - ông Bh’riu Liếc khẳng định, việc chọn địa điểm xây trường là hợp lý. Nếu chọn địa điểm khác thì chắc 3 năm nữa cũng chưa có trường học. Tây Giang đã từng thi công 93 mặt bằng bố trí dân cư nên đã có những kinh nghiệm thực tiễn, đối với việc khắc phục sự cố này không có gì khó.
Tuy nhiên Bí thư huyện Tây Giang yêu cầu phải tiến hành ngay trước mùa mưa. “Mong muốn của bà con nhân dân cũng như học sinh 4 xã vùng cao là có ngôi trường mới để đi học gần hơn, giảm bớt khó khăn khi phải vượt trên 40 cây số xuống tận trung tâm huyện học”, ông Bh’riu Liếc nói.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam - ông Nguyễn Công Thành cho biết qua khảo sát thực tế, các bên đã thảo luận và đi đến thống nhất phương án chung là triển khai kè bê tông và giật cấp thành ta luy dương, xây dựng mương thoát nước.
Ông cũng đề nghị huyện Tây Giang phối hợp với xã Axan triển khai ngay công tác thống kê hoa màu thiệt hại của dân để tiến hành đền bù. Xã cần vận động nhân dân hưởng ứng hiến đất đai hoa màu. Ngoài ra, đơn vị thi công cần hạ cốt đường vào trường để thuận tiện trong việc đi lại của giáo viên và học sinh, nhất là vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ học sinh nội trú.
Tác giả: Đ.Hiệp-C.Bính
Nguồn tin: Báo Dân trí