Tin địa phương

Trong 2 tháng, Đà Nẵng phải tiêu 3.500 tỷ đồng đầu tư công

Hiện giải ngân vốn đầu tư công của Đà Nẵng trong năm 2023 mới đạt 4.436 tỷ đồng/7.947 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/1/2024 đạt 95%. Như vậy, gần 2 tháng nữa, Đà Nẵng phải ‘tiêu’ hơn 3.500 tỷ đồng.

Ngày 13/12, tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố thấp, mới đạt 4.436 tỷ đồng/7.947 tỷ đồng (đạt 55,83%, tính cả ngân sách địa phương và Trung ương).

Trong 38 dự án thành phố cam kết hoàn thành trong năm 2023, có 8 dự án không hoàn thành. 27 dự án cam kết khởi công, có 8 dự án vướng mắc các thủ tục trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Mặc dù thành phố đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung quy định đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư nhưng đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn rất chậm, mới giải ngân đạt 26%/tổng số vốn chi giải ngân đền bù giải tỏa.

“Như vậy, giải phóng mặt bằng vẫn là “điểm nghẽn” gây ảnh hưởng tiến độ thi công dự án. Hiện nay, tình trạng “vốn chờ thủ tục” là có, nhiều dự án đã được HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2020-2021, nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt dự án”, ông Tuấn nói.

Giải ngân vốn đầu tư công của Đà Nẵng trong năm 2023 đạt thấp (Trong ảnh là dự án đường vành đai phía Tây).


“Theo báo cáo của UBND thành phố về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, thành phố sẽ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/1/2024 đạt 95%. Tuy nhiên, có lẽ đây chỉ là con số kỳ vọng vì từ nay đến 31/1/2024 còn khoảng gần 2 tháng nữa, chúng ta phải cố gắng hết sức thì mới giải ngân được nguồn vốn hơn 3.500 tỷ đồng còn lại này”, ông Tuấn.

Để làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công cho năm 2024 và các năm tiếp theo, ông Tuấn cho rằng thành phố cần để gắn trách nhiệm, năng lực của các Sở, ngành trong công tác đầu tư công theo lĩnh vực phụ trách.

Cụ thể hóa, rút ngắn các bước quy trình, quy định về trách nhiệm, nội dung, thời gian xử lý công việc của từng cơ quan, đơn vị. Khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập trong khâu về quy hoạch; đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt hồ sơ phòng cháy chữa cháy…

Đồng thời, làm tốt công tác tư vấn, khái toán về đền bù, giải tỏa, tái định cư tại các Hội đồng bồi thường và giải phóng mặt bằng cấp quận, huyện phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo không làm phát sinh lớn trong chi phí đền bù, tái định cư. Nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ (như thưởng tiến độ) phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn.

Ngoài ra, thành phố cũng cần tập trung hướng dẫn thủ tục đầu tư công. Nhiều quận, huyện rất chậm trong khâu thủ tục đầu tư, nhiều dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư từ 1-2 năm, nhưng đến nay, các quận, huyện chưa trình cơ quan có thẩm quyền thủ tục phê duyệt dự án.

Ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho hay: Từ nay đến 31/1/2024 không còn nhiều nữa, mục tiêu đặt ra phải cố gắng giải ngân được 95%, trong khi đó đến thời điểm hiện nay thành phố mới giải ngân được gần 60%. Vì vậy, trong chỉ đạo, điều hành của thành phố cần có sự quyết liệt hơn.

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, hiện nay đầu tư công là một vấn đề rất lớn của thành phố. Xuyên suốt trong năm vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cố gắng nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ và thường xuyên rà soát đánh giá, hàng tháng đều có báo cáo UBND thành phố, thậm chí tiến độ của từng công trình.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phải trải qua nhiều bước, từ chủ trương đầu tư cho đến quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, phê duyệt thiết kế, phê duyệt dự án… Và từng bước như vậy ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Tác giả: Khánh Hồng

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

  Từ khóa: đầu tư công , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP