Thế giới

Triều Tiên mua linh kiện tên lửa từ đâu?

Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang tìm cách “qua mặt” các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế và mua sắm linh kiện từ nước ngoài nhằm phục vụ chương trình phát triển vũ khí.

Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-12 ngày 15/9 (Ảnh: Reuters)

Trung tâm nghiên cứu phòng vệ cấp cao Mỹ và Viện nghiên cứu Sejong đã phân tích hoạt động trao đổi ngoại hối của Triều Tiên và phát hiện ra rằng, các cơ sở sản xuất thiết bị quân sự của Bình Nhưỡng đã sử dụng các công ty đăng ký trên giấy tờ ở Hong Kong để mua thiết bị định vị toàn cầu GPS, ăng ten và các linh kiện tên lửa khác từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

Do các thiết bị GPS được xếp vào nhóm sản phẩm “hai chức năng”, có thể chuyển từ mục đích dân sự sang quân sự, nên Triều Tiên bị cấm giao dịch các sản phẩm này với nước ngoài.

Trong báo cáo được công bố hồi tháng 6, trung tâm nghiên cứu của Mỹ cho biết công ty Trung Quốc có tên gọi Dandong Dongyuan từng xuất khẩu các hệ thống radar và súng phóng lựu RPG-7 cho Triều Tiên.

Hồi tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt công ty Dandong Dongyuan vào danh sách trừng phạt vì bán các thiết bị điện tử, hệ thống dẫn đường tự động, nhôm, thép, ống dẫn và các linh kiện phản ứng hạt nhân cho Triều Tiên trong nhiều năm qua. Giá trị của các thương vụ này lên tới hơn 28 triệu USD.

Trước đó, Mỹ hồi tháng 8 cáo buộc Chi Yupeng, chủ sở hữu của công ty Trung Quốc Dandong Zhicheng Metallic Materials, nhập khẩu thép và than từ Triều Tiên. Đổi lại, công ty này sẽ cấp cho Triều Tiên các linh kiện tên lửa và vũ khí hạt nhân thay vì trả tiền mặt.

Báo cáo của Mỹ cho biết các công ty do Chi Yupeng làm chủ, bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đã giao dịch các sản phẩm trị giá ít nhất 60 triệu USD với Triều Tiên mỗi năm. Ngoài ra, các khoản giao dịch trị giá 25 triệu USD khác cũng được hai bên thực hiện thông qua các tài khoản ngân hàng ở Mỹ.

Theo Chosun Ilbo, vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong của Triều Tiên hồi tháng trước được cho là có sự hậu thuẫn của Trung Quốc. Báo cáo của Viện Phân tích phòng vệ Hàn Quốc cho biết các máy bơm nhiệt do Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên được sử dụng trong quá trình tạo nhiên liệu lỏng, trong khi sợi carbon được dùng để chế tạo khung cho tên lửa Triều Tiên.

Tàu Trung Quốc bán dầu cho Triều Tiên

Ảnh vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc và Triều Tiên đã mua bán dầu trái phép trên biển (Ảnh: Chosun)

Theo các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc, các vệ tinh do thám của Mỹ đã chụp một số bức ảnh cho thấy các tàu cỡ lớn của Trung Quốc và Triều Tiên mua bán dầu trái phép ngoài biển. Các vệ tinh đã phát hiện các tàu Trung Quốc bán dầu cho Triều Tiên khoảng 30 lần kể từ tháng 10 năm nay. Các bức ảnh thậm chí còn cho thấy rõ tên của các tàu này.

“Chúng ta phải nhìn vào thực tế rằng các hoạt động thương mại trái phép xảy ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 ra nghị quyết hạn chế đáng kể việc xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu tinh chế cho Triều Tiên”, một nguồn tin cho biết.

Ngoài Liên Hợp Quốc, Bộ Tài chính Mỹ ngày 26/11 cũng liệt 6 công ty vận tải và thương mại Triều Tiên cùng 20 tàu của nước này vào danh sách trừng phạt sau khi xuất hiện các hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu Ryesonggang 1 của Triều Tiên đã giao dịch với một tàu của Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ cho biết 2 tàu này dường như đã phớt lờ lệnh trừng phạt khi tiến hành hoạt động mua bán dầu bất hợp pháp.

Hiện chưa rõ liệu chính phủ Trung Quốc có biết thông tin về các hoạt động mua bán dầu trái phép thông qua tàu thuyền với Triều Tiên hay không. Nếu các hoạt động này vẫn tiếp tục tái diễn, các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng sẽ không thể đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Tác giả: Thành Đạt (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP