Kinh tế

Triệu phú trên đỉnh Huồi Xai

Để phát triển kinh tế gia đình, ông Lỳ Nỏ Pó ở bản Minh Châu, xã Tri Lễ, Quế phong đã nhận khoán vùng núi Huồi Xai, khoanh nuôi chăn thả đàn bò Mông, ngựa Mông. Từ chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông Pó thu nhập 400-500 triệu đồng. Ông cũng là một trong những hộ hiếm hoi của xã Tri Lễ đã thực hiện thành công việc bảo tồn giống gen quý hiếm đàn bò Mông, ngựa Mông của dân tộc mình.

Ông Lỳ Nỏ Pó một người con dân tộc Mông, trước đây, sinh sống tại bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Từ năm 2000 đến nay, thực hiện chủ trương đưa bà con dân tộc Mông về định cư tại vùng kinh tế mới - bản Minh Châu, gia đình ông cũng đã chuyển hẳn về đây sinh sống. Là người có kinh nghiệm trong chăn nuôi, nhất là phong tục của đồng bào Mông, ông Pó đã nhận khoán vùng núi Huồi Xai, khoanh vùng để phát triển chăn nuôi.

Một góc đỉnh núi Huồi Xai- nơi ông Lỳ Nỏ Pó khoanh vùng chăn thả trâu bò


Nơi “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng”, cày như một nghệ thuật, chỉ có con bò mới kéo được cái cày giúp người Mông “thổ canh hốc đá”, do đó, con bò Mông được ông ưu tiên lựa chọn đầu tiên để tạo nguồn phát triển chăn nuôi. Giống bò Mông có sức chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của thời tiết và dịch bệnh. Bò có màu lông vàng nhạt, vàng sẫm hoặc cánh gián, một số ít có màu đen nhánh hoặc loang trắng, tai to, lưng hơi võng, mông dài, ngực sâu, chân cao, đỉnh trán có u gồ hoặc phẳng. Nhìn chung, đây là giống bò có thể trạng to lớn, cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon.

Giống bò vàng vùng cao được đồng bào Mông nuôi dưỡng từ lâu đời được ông Pó lựa chọn để nuôi.


Nhờ có kinh nghiệm trong chăn nuôi, ngoài thức ăn chủ yếu là tự nhiên hư cây cỏ, ông còn cho trâu bò ăn thêm muối, đến nay, đàn bò của gia đình ông đã phát triển được 60 con. Ngoài ra, ông còn nhân giống phát triển thêm đàn ngựa Mông 20 con và đàn trâu 8-9 con.Điều đặc biệt, cũng chỉ riêng trâu bò của ông mới biết cách tự về chuồng mỗi khi chủ gọi, tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi đi lùa. Tính ra, thu nhập bình quân của gia đình ông từ chăn nuôi mỗi năm đạt 400-500 triệu đồng.

Ông Pó còn mày mò nhân giống và phát triển thêm đàn ngựa Mông


Sinh ra và lớn lên ở bản Mông Pà Khốm, một chữ bẻ đôi không biết và cả đời chỉ dăm lần bước qua đỉnh núi trước nhà, thế nhưng, những gì mà ông Pó làm được khiến nhiều người phải kinh ngạc...

Ông Vi Văn Hời- Chủ tịch Hội nông dân xã Tri Lễ không hết lời khen ngợi: Mô hình chăn nuôi của ông Lỳ Nỏ Pó là 1 trong 20 mô hình kinh tế có hiệu quả nhất trên địa bàn xã. Ông Pó cũng là điển hình làm KT giỏi vinh dự được đi dự đại hội thi đua yêu nước của huyện giai đoạn 2010-2015.

Ông Lỳ Nỏ Pó đang cho đàn bò, ngựa ăn muối trên đỉnh Huồi Xai


Trao đổi với chúng tôi, ông Lang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong khẳng định: việc đồng bào người Mông và cụ thể là ông Lỳ Nỏ Pó ở xã Tri Lễ thực hiện tốt công tác bảo tồn nguồn gen giống bò vàng Mông đã góp phần khắc phục hiện tượng suy thoái chất lượng giống, nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò, từ đó cải thiện thu nhập cho người chăn nuôi. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.

Nhằm bảo tồn và phát triển giống bò Mông, hiện nay, huyện Quế Phong đang thực hiện QĐ 87 của UBND tỉnh về tăng cường công tác hỗ trợ con giống, nhất là vùng sâu để bảo tồn những con giống quý hiếm của đồng bào Mông, trong đó có bò Mông, huyện đã có quyết định giao cho xã Tri Lễ sàng lọc đối tượng, lựa chọn con giống để hỗ trợ. Để bảo tồn nguồn gen bò Mông quý hiếm này, tỉnh cũng đã có chính sách khuyến khích nếu hộ nào phát triển được 1 con bò Mông sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng. Riêng xã Tri Lễ, trong năm 2016 sẽ được hỗ trợ 15 con bò Mông.

Với ông Lỳ Nỏ Pó, việc tỉnh có cơ chế hỗ trợ để bảo tồn nguồn gen bò Mông thực sự là một tin vui với ông và bà con người Mông. Bây giờ, dù đã gần 70 tuổi, nhưng ông Pó vẫn dẻo dai như dòng họ Lỳ của bản. Hàng ngày, bước chân ông vẫn đều đặn leo dốc lên đỉnh Huồi Xai, vẫn thừa sức leo qua 4 quả đồi, 5 con khe để trông nom đàn bò, đàn ngựa của mình.

Chia tay ông Pó giữa lúc ánh nắng mặt trời gay gắt đã xiên thẳng trên đỉnh đầu, ông bảo, giờ điều mong mỏi lớn nhất của ông là huyện sẽ bảo tồn được giống bò Mông, ngựa Mông quý hiếm của dân tộc mình, để bản Minh Châu, bản Pà Khốm không còn gia đình nào phải chịu cái đói, cái nghèo như trước kia nữa.

Tác giả bài viết: Hiến Chương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP