Ảnh minh họa. |
Ra thị trường, thật không khó để có thể tìm mua những loại hoa quả như: đào, mận, thanh long, nho…trên khắp các tuyến chợ, từ chợ cóc, chợ tạm, cho đến chợ đầu mối với giá rẻ bất ngờ. Đơn cử loại mận cơm Trung Quốc được bày bán với mức giá 60.000 - 70.000 đồng/kg tùy loại và cũng được dân buôn gắn mác “đặc sản mận Sa Pa” hay “mận Lào Cai”.
Tuy nhiên, theo các chủ hàng buôn bán trái cây lâu năm tại chợ đầu mối Long Biên, mận Việt Nam chỉ có vào tầm tháng 5 - 6, hiện tại đang vào cuối vụ, nên các loại mận bày bán bây giờ 100% là mận Trung Quốc.
Ngoài mận ra, thời điểm này, dưa lưới vàng Trung Quốc cũng đang “tấn công” khắp các chợ Hà Nội với mức giá 25.000 - 30.000đồng/kg; đào Trung Quốc cũng đang được bày bán tràn lan “đội lốt” đào Sa Pa với mức giá bán chỉ 35.000-40.000 đồng/kg tùy loại.
Ông Khoa, một mối chuyên bỏ sỉ đào Trung Quốc tại chợ Long Biên cho biết, hiện nay trên thị trường 90% là đào Trung Quốc. Đào Việt được trồng chủ yếu ở Lào Cai, thu hoạch từ tháng 5 đến đầu tháng 7 là hết vụ.
Các loại nho xanh, nho đỏ Trung Quốc cũng được bày bán tràn lan với giá khá rẻ chỉ ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg tuỳ loại và tuỳ vào thời điểm.
Thậm chí, vào thời kỳ cao điểm, nho chỉ có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg nhưng ở các chợ, trên các tuyến phố, người bán hàng vẫn khẳng định là “nho Ninh Thuận” với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg loại ngon hoặc “nho Mỹ” giá 150.000 đồng/kg.
Rồi còn đủ thứ rau, củ, quả... Trung Quốc gắn mác hàng Việt xuất hiện tràn lan trên thị trường.Tại các chợ đầu mối, nông sản được nhập về hiện nguyên hình là hàng Trung Quốc. Song, khi đến các chợ lẻ, lập tức nó trở thành... hàng Việt nhập từ Đà Lạt, Tiền Giang…
Theo tiết lộ của một người bán hàng, vì bây giờ người tiêu dùng không mua các mặt hàng kém chất lượng. Trong khi đó, thời gian qua, hàng Trung Quốc luôn bị phát hiện kém chất lượng, nhiễm độc.
Do đó, họ mới phải nói là hàng Việt Nam, nếu không sẽ không bán được hàng và không được giá. Thường thì giá các loại khi được gắn mác Việt được bán với giá cao hơn gấp hai, ba lần.
Phát hiện ra được mặt hàng nào là hàng Trung Quốc, mặt hàng nào là hàng Việt rất khó, nhất là khi hàng đã lưu thông ra thị trường. Bởi thực tế, hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt chỉ được phát hiện sau khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra gắt gao, kết hợp lời khai của các đối tượng vận chuyển.
Tác giả: Phan Mơ
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam