Ngày 4-6, TAND quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã tuyên án đối với vụ án dân sự yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng, bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần.
Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1970, trú quận Tân Bình, TP.HCM). Bị đơn là chi nhánh Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam - đơn vị quản lý Trường quốc tế Singapore tại quận Ngũ Hành Sơn.
Đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án tại tòa. Ảnh: T.AN |
Trong đơn khởi kiện, ông Tuấn yêu cầu TAND quận Ngũ Hành Sơn buộc bị đơn tiếp tục cung cấp dịch vụ cho con ông là cháu NXB (SN 2013) trong năm học 2019-2020.
Ông Tuấn yêu cầu phía công ty hoàn trả phí đặt cọc 8 triệu đồng, bồi thường thiệt hại hơn 299 triệu đồng do hành vi ngưng cung cấp dịch vụ giáo dục của trường này đối với con ông.
Ông yêu cầu bị đơn bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định, đồng thời xin lỗi công khai trên các phương tiện đại chúng.
Trước đó, ngày 26-5-2019, ông Tuấn đã ký hai văn bản về cung cấp dịch vụ giáo dục do phía bị đơn soạn sẵn để đăng ký nhập học cho cháu B. Ngoài các khoản phí bắt buộc như: phí kiểm tra đầu vào, phí ghi danh, học phí, phí giữ chỗ, nhà trường còn thu phí đặt cọc 8 triệu đồng.
Ông Tuấn cho rằng, việc thu phí đặt cọc là không đúng quy định pháp luật nên khi nhận được thông báo đăng ký nhập học, ông đã ghi ý kiến là không đồng ý với khoản thu này.
Phía nguyên đơn tại phiên tòa. Ảnh: T.AN |
Ngày 30-5-2019, ông Tuấn có đơn khiếu nại đến UBND TP Đà Nẵng và Sở GD&ĐT TP về việc trên.
Sở GD&ĐT có văn bản trả lời, đề nghị nhà trường làm việc với phụ huynh để giải quyết dứt điểm vụ việc và báo cáo kết quả giải quyết trước ngày 31-7-2019.
Sau đó, nhà trường đã gửi thư mời riêng ông Tuấn đến trao đổi nhưng ông không đến do thời gian gấp gáp. Ông cũng yêu cầu phía trường tổ chức một cuộc họp phụ huynh rộng rãi.
Trong hai ngày 24 và 29-7-2019, nhà trường đã ra thông báo nếu phụ huynh không chấp nhận đóng khoản tiền đặt cọc thì trường không cung cấp dịch vụ giáo dục cho cháu B. (tức cháu bé sẽ không được theo học tại trường từ năm học 2019-2020).
Nhà trường sẽ hoàn trả toàn bộ tiền học phí và các khoản thu khác mà phụ huynh đã đóng. Ngay sau đó, ông Tuấn đã chuyển cháu B. sang học tập tại một ngôi trường khác để kịp chương trình học.
Ngày 14-8-2019, ông Tuấn yêu cầu bị đơn hoàn trả tiền học phí và các khoản phí khác đã đóng với lý do bị đơn phải thừa nhận đã đơn phương chấm dứt hợp đồng chứ không phải do phụ huynh.
Tuy nhiên, phía nhà trường không chấp nhận yêu cầu này và đã chuyển trả cho phụ huynh hơn 215 triệu đồng học phí và các khoản phí khác ngày 20-8-2019. Không đồng ý với cách giải quyết trên, ông Tuấn đã khởi kiện ra tòa.
Tại phiên sơ thẩm, ông Tuấn rút yêu cầu bồi thường hơn 299 triệu đồng mà chỉ yêu cầu bị đơn bồi thường phần chênh lệch học phí giữa Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng và ngôi trường con ông mới chuyển sang học tập.
Bị đơn cho rằng, nhà trường thu khoản phí đặt cọc 8 triệu đồng để đảm bảo cho suốt quá trình học sinh theo học tại trường. Khoản thu này là bắt buộc và đã được đề cập trong các loại giấy tờ, văn bản khi phụ huynh làm thủ tục đăng ký nhập học cho con.
Nhà trường đã gửi thông báo, mời ông Tuấn lên làm việc và giải thích rõ đó là khoản phí bắt buộc. Nếu phụ huynh không đồng ý thì hoàn toàn có thể cho con chuyển sang học trường khác.
"Ông Tuấn không đồng ý nộp tiền nhưng vẫn cho con theo học tại trường. Sau đó, nhà trường đã ra thông báo ngưng cung cấp dịch vụ giáo dục đối với trường hợp này"- đại diện bị đơn cho hay.
Phía bị đơn cũng cho biết nếu cháu B. mong muốn trở lại trường học tập thì nhà trường luôn sẵn sàng chào đón cháu.
"Là một trường tư thục, chúng tôi luôn mong muốn có nhiều học sinh theo học tại trường. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng đón cháu B. trở lại trường học tập nếu cháu muốn, tuy nhiên phải tuân thủ các quy định của nhà trường, kể cả các khoản phí bắt buộc" - bị đơn nói thêm.
Tại tòa, đại diện VKS cho rằng yêu cầu khởi kiện của ông Tuấn là không có cơ sở nên đề nghị HĐXX bác đơn khởi kiện của nguyên đơn. Đề nghị này sau đó đã được HĐXX chấp nhận.
Tác giả: TÂM AN
Nguồn tin: Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh