Hợp đồng đặt cọc có dấu hiệu chỉnh sửa nội dung?
Như báo Pháp luật & Xã hội đã thông tin vụ “tranh chấp hợp đồng đặt cọc” giữa ông Lê Danh Tạo, trú tại 203 Dương Đình Nghệ, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà và ông Phan Văn Vị, trú tại tổ 1, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, ông Phan Văn Vị cho biết: "Ngày 26-9-2017, tôi và ông Lê Danh Tạo có ký hợp đồng đặt cọc (không số) mua bán lô đất số 37, tờ bản đồ số 05, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng theo giấy CNQSD nhà ở và quyền sử dụng đất số 3403060763 do UBND TP Đà Nẵng cấp ngày 9-8-2001.
Sau gần hai tháng đặt cọc nhưng ông Tạo không thực hiện theo cam kết, mặc dù tôi đã liên tục thúc giục ông Tạo thanh toán hết số tiền mua đất như hợp đồng đặt cọc đã giao kèo nên ngày 10-11-2017, tôi đã bán lô đất trên cho ông Nguyễn Đăng Độ, trú tại 549 Phan Đình Phùng, phường Duy Tân, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum theo hợp đồng mua bán quyền sở hữu nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 8556, quyển số 01/TP/CC-SCC/HDGD đã được văn phòng công chứng Nguyễn Hải Sâm công chứng.
Hợp đồng đặt cọc có dấu hiệu chỉnh sửa nội dung. |
Tuy nhiên, đến ngày 23-11-2017, tôi nhận được Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 4/2017/QĐ-BLKCTT của Toà án nhân dân quận Sơn Trà do thẩm phán Nguyễn Thị Sâm ký có nội dung cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với lô đất số 37, tờ số 05, địa chỉ số 1A, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất số 3403060763 do UBND TP Đà Nẵng cấp ngày 9-8-2001".
Điều đáng nói là trong hồ sơ ông Tạo cung cấp cho toà án nhân dân quận Sơn Trà thì hợp đồng đặt cọc có số 68/HĐMBNĐ, thời hạn thanh toán hết toàn bộ số tiền là ngày 30-11-2017. Điều này khác hẳn với bản hợp đồng đặt cọc mà ông Vị nhận được, hợp đồng đặt cọc ông Vị nhận được không có số hợp đồng, không có ngày tháng thanh toán tiền.
Ông Vị khẳng định hợp đồng đặt cọc mà ông Tạo cung cấp cho TAND quận Sơn Trà đã bị chỉnh sửa, giả mạo chữ ký.
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án
Theo hồ sơ vụ án chúng tôi có được thì thông báo về việc thụ lý vụ án số 192/TB-TLVA của Toà án nhân dân quận Sơn Trà, do thẩm phán Nguyễn Thị Trâm ký ngày 19-12-2017, nhưng đơn khởi kiện vụ án dân sự của ông Lê Danh Tạo gửi đến toà án nhân dân quận Sơn Trà được đóng dấu công văn đến là số 756 ngày 29-12-2017. Biên lai tạm thu tạm ứng án phí, lệ phí của nguyên đơn là ngày 19-12-2017, nội dung thu là tạm ứng án phí theo yêu cầu thu số 282/TB-TA ngày 30-11-2017. (Tức trước ngày gửi đơn kiện, trước ngày nộp tạm ứng án phí).
Đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của ông Lê Danh Tạo được đóng dấu công văn đến ngày 22-11-2017, trước ngày gửi đơn khởi kiện, trước ngày nộp tạm ứng án phí. |
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 04/2017/QĐ-BPKCTT do thẩm phán Nguyễn Thị Trâm ký ngày 23-11-2017, tức trước ngày nhận đơn khởi kiện, trước ngày thụ lý vụ án.
Về vấn đề này Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư An Phát- Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Tĩnh cho biết: "Tại Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: "1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án.
2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn kiện cho Toà án đó”.
Như vậy, cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án dân sự hoặc trường hợp cấp bách thì nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với nộp đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo. Trong trường hợp này, người khởi kiện đã nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi nộp đơn khởi kiện, nhưng TAND quận Sơn Trà đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau đó một ngày khi chưa có đơn khởi kiện. Điều này khẳng định đã có sự vi phạm thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư An Phát: Toà án nhân dân quận Sơn Trà có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án |
Và theo quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Toà án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết”.
Nếu ông Lê Danh Tạo đã nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo vào ngày 22-11-2017 (theo trả lời của TAND quận Sơn Trà), thì sau khi nhận được đơn, Chánh án toà án nhân dân quận Sơn Trà phân công thẩm phán thụ lý giải quyết, trong thời hạn 48 giờ thẩm phán phải xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc thông báo không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Có nghĩa là phải thụ lý vụ án rồi mới ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời".
Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn nhấn mạnh: "Mặt khác, đơn kiện của ông Lê Danh Tạo chưa đảm bảo đúng quy định nên ngày 24-11-2017, TAND quận Sơn Trà đã ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kiện của ông Lê Danh Tạo. Tuy nhiên, TAND quận Sơn Trà đã ra Quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời ngày 23-11-2017, khi hồ sơ khởi kiện của ông Lê Danh Tạo chưa đảm bảo theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và khi chưa thụ lý vụ án là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án".
Tác giả: Hải Nguyễn
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội