Du lịch

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch

Xúc tiến, quảng bá đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển du lịch nhưng hoạt động này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia nghiên cứu, nhà quản lý, người làm lữ hành, du lịch trong hội thảo tìm giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch do Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2018.

Theo Tổng Cục Du lịch Việt Nam, mỗi năm, kinh phí từ ngân sách Nhà nước phục vụ cho công tác xúc tiến du lịch được duy trì từ 30 tỷ đồng đến 40 tỷ đồng. Hiện nay, hệ thống cơ quan xúc tiến du lịch từ Trung ương đến địa phương được hình thành. 58/63 địa phương có bộ phận chuyên trách về xúc tiến du lịch. Nhưng, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam đang bộc lộ nhiều nhược điểm.

Cụ thể là hoạt động nghiên cứu, định hướng thị trường chưa thực sự bài bản, chưa sát với thực tế, chưa đi sâu vào các phân khúc thị trường và chưa đặt được mục tiêu cụ thể cho các hoạt động xúc tiến. Cơ sở dữ liệu thông tin thị trường thiếu và không nhất quán, chưa cập nhật thường xuyên các xu hướng thay đổi của thị trường, dự báo để các các đơn vị có điều chỉnh phù hợp.

Quảng bá du lịch theo kiểu truyền thống tại VITM 2018

Ngân sách Nhà nước chi cho công tác này chủ yếu là ở Trung ương còn các địa phương thì không đáng kể. Kinh phí hạn hẹp, chưa tạo động lực mang tính đột phá làm thay đôi căn bản hoạt động xúc tiến du lịch, hạn chế khả năng sử dụng, khai thác các hình thức, công cụ xúc tiến du lịch phổ biến và hiệu quả trên thế giới như quảng cáo trên các phương tiện thông tin truyền thông nước ngoài, ứng dụng marketing điện tử, hình thành đại diện xúc tiến du lịch ở nước ngoài....

Trao đổi quanh vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng hiện nay, Việt Nam mới chủ yếu đi vào xúc tiến kiểu truyền thống. Nếu muốn hiệu quả như các nước thì cần phải biết thị trường trọng điểm là đâu và muốn gì? Làm xúc tiến trước hết phải làm sản phẩm và trong vòng 5 năm phải có sản phẩm mới thì mới có thể giữ được khách cũ và có khách mới nhưng đây vẫn là một trong các thách thức lớn của du lịch Việt Nam.

Hội thảo tìm giải pháp thúc đẩy hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch

Ông Ngô Minh Đức, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia kiêm Chủ tịch của HG Holdings – một trong số các đơn vị lữ hành hàng đầu của Việt Nam cũng chia sẻ rằng, để xúc tiến, quảng bá có hiệu quả thì phải thuê công ty nghiên cứu thị trường và thường phải xác định cần mất thêm 3 đến 5 năm sau mới bù được lỗ. Nhưng, tại Việt Nam, chỉ số hài lòng của khách hàng rất thấp, có những khảo sát cho thấy có đến 70% du khách không muốn quay lại Việt Nam, khiến chi phí bỏ ra tiếp thị quá đắt. Chưa kể, công tác xúc tiến, quảng bá, nghiên cứu về nghiên cứu về thị trường du lịch của Việt Nam làm chưa thật bài bản, mò mẫm theo kiểu không biết có trúng hay không, có hiệu quả hay không.

Việc lập kế hoạch và triển khai thực hiện xúc tiến quảng bá có khi phải theo ý kiến của lãnh đạo chứ không phải chuyên gia. Thống nhất là phối hợp thực hiện nhưng thực tế triển khai thì mỗi nơi một phách. Kế hoạch lại không minh bạch, chưa công khai chuẩn bị tốt nên có khi không ai tham gia… Vai trò đầu tàu trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch là Tổng cục Du lịch. Hiện nay, Tổng cục Du lịch có tiền, có kế hoạch nhưng làm chưa tới tầm.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Hà Văn Siêu thì ngay Tổng cục Du lịch cũng đang gặp khó khăn. Thông thường tháng 6 năm trước làm kế hoạch cho sang năm. Đến tháng 9 tổng hợp các bộ ngành để trình, tháng 1 năm sau mới có tiền về và khi đó mới triển khai, kinh phí thường chỉ còn 1/3 nên kế hoạch bị cắt đi. Nếu không chủ động, làm theo kiểu giật gấu vá vai thì khó có hiệu quả cao.

Tham gia các hội chợ du lịch quốc tế là cách lựa chọn phổ biến trong quảng bá du lịch Việt

Đi tìm câu trả lời: Làm thế nào để xúc tiến, quảng bá du lịch có hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng cần phải tính toán lại xem hiện nay chúng ta đã có đủ người làm và người làm có đủ năng lực để… tiêu tiền một cách có hiệu quả không? Cũng theo ông Thọ, yếu tố quyết định vẫn phải là con người. Nhân lực du lịch hiện nay chưa theo kịp cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Rất nhiều nhà nghiên cứu, đơn vị hoạt động du lịch cũng nhận định: đã đến lúc cần đẩy mạnh phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực này. Hơn thế, hoạt động này cần minh bạch, có kế hoạch rõ ràng, chọn một vài thị trường trọng điểm để tập trung làm và đã làm thì phải đến nơi đến chốn. Song song với công tác quảng bá thì cần duy trì các mối quan hệ với các khách hàng cũ, thường xuyên chăm sóc, cập nhật thêm thông tin…

Về phía quản lý Nhà nước, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay, công tác hoạch định chiến lược, chính sách xúc tiến được quan tâm hơn. Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đã được xây dựng. Các ý kiến đóng góp về mặt giải pháp, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp thu, đưa vào đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch Việt Nam để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2018.

Tác giả: Hoa Nguyễn

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: quảng bá du lịch , du lịch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP