Giữa cuộc sống còn bộn bề khó nhọc vẫn xuất hiện nhiều tấm gương bình dị, trong sáng. Đó là chuyện về người đàn ông 20 năm cứu người đuối nước chẳng bao giờ đòi công, hay chuyện một thương binh cả cuộc đời đi tìm hài cốt đồng đội. Những việc làm cao đẹp của họ góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng yên bình và đáng sống.
Hơn 20 năm qua, ông Léo đã cứu vớt nhiều mạng người trên sông Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. |
Đêm 30 Tết năm Giáp Dần - 1974, ông Ngô Văn Léo ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng sửa soạn mâm cơm cúng Giao thừa.
Bỗng ông Léo nghe rõ tiếng kêu: Cứu người! Cứu người!. Lập tức, hai cha con ông Léo lao ra dòng sông, nhảy xuống cứu vớt nạn nhân. Người mẹ trẻ ôm 2 đứa con nhỏ nhảy xuống sông Cẩm Lệ tự vẫn kêu cứu trong tuyệt vọng.
Dù đã cố gắng nhưng cha con ông Léo chỉ cứu được người mẹ và đứa con trai, còn đứa con gái nhỏ bị nước cuốn đi xa, mất mạng.
Giờ đã 55 tuổi, cũng là ngần ấy thời gian ông Léo gắn đời mình với sông nước. Ông kể: Từ khi chưa có cây cầu bắc qua sông Cẩm Lệ, ông đã theo cha chèo đò đưa người đi qua sông. Cũng ở khúc sông này, cha con ông đã cứu nhiều mạng người. Ông Léo không còn nhớ mình đã cứu được bao nhiêu mạng người trên con sông này.
Bất kể ngày, đêm hay mưa, nắng, hễ nghe tiếng kêu cứu trên sông Cẩm Lệ, cha con ông Léo lại lập tức chèo ghe, ngụp lặn để giành lại mạng sống cho người khác.
Nhiều nạn nhân nay nhận làm con nuôi, kết bạn tâm giao với ông Léo. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, họ đều ghé đến thăm chúc Tết ông.
“Ba ngày Tết tôi cũng ở đây thôi. Chỉ vô nhà chốc lát thôi, chứ tôi ở đây quen rồi. Đi đâu cũng phải có người thế, trực ở đây. Tại vì lúc ở mình ở đây không có chuyện gì, nhưng có khi mình vô một chút mà có người nhảy trên cầu xuống không có mình lại mất một mạng một người. Mình chẳng vì cái chi, chỉ vì tình con người với con người”, ông Léo nói.
Cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh đi khắp mọi nơi tìm hài cốt đồng đội. |
Không sinh ra ở Đà Nẵng, nhưng từ lâu, ông Trần Ngọc Doanh coi Đà Nẵng là quê hương thứ 2 của mình.
Ông Doanh quê ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1973, ông về đơn vị đặc công 471 Quảng Đà, Quân khu 5, chiến đấu ở mặt trận phía Tây Bắc Đà Nẵng.
Sau giải phóng, ông ở lại Đà Nẵng lập nghiệp. Trong căn nhà cấp 4 ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, ông cất giữ cẩn thận danh sách đồng đội hy sinh cùng những tấm bản đồ trận đánh đã hoen ố.
Mười mấy năm trong quân ngũ, ông chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.
Năm 1997, cô Mai Thị Duyên, con gái của liệt sĩ Mai Công Mùi tìm đến nhà nhờ ông giúp tìm người thân.
Thông tin ban đầu rất ít, chỉ biết liệt sĩ Mai Công Mùi hy sinh tại vùng núi tỉnh Quảng Nam và được người dân chôn bên gốc cây xoài.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, hài cốt liệt sĩ Mai Công Mùi được tìm thấy cùng với khẩu súng ngắn và 3 viên đạn.
Cô con gái khóc nức nở khi gặp được cha mình. Sau đó, hài cốt liệt sĩ Mai Công Mùi được đưa về an táng tại quê nhà Hải Dương.
Hơn 20 năm qua, ông Doanh đã cùng đồng đội rong ruổi khắp mọi miền đất nước, từ tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Đắc Lắc rồi sang cả Lào, Campuchia để đưa hài cốt đồng đội về với quê hương, gia đình.
Có nhiều chuyến đi gặp mưa lũ, ông lội bộ cả ngày đường từ Lào về Việt Nam, có khi phải ở lại trong rừng sâu mấy ngày liền. Ông Doanh tâm niệm: khoảng thời gian còn lại của đời mình vẫn tiếp tục đi tìm đồng đội.
“Xuất phát từ chỗ tri ân đồng đội, uống nước nhớ nguồn. Tôi chỉ luôn tâm niệm một điều rằng, làm sao tìm được những người đã mất tích trong chiến tranh nhất là đồng đội của tôi để đưa về với quê hương bản quán, nơi gia đình để có chỗ hương khói. Điều đó là điều mong muốn nhất đối với tôi. Tôi chưa bao giờ nhận một cái gì ngoài những lời cảm ơn và những bức thư tri ân bản thân tôi và gia đình”, ông Doanh cho hay.
Các ông Ngô Văn Léo, Trần Ngọc Doanh được người dân Đà Nẵng tỏ lòng khâm phục. Tại buổi lễ tôn vinh những tấm gương sáng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng: Lòng tốt hiện diện ở khắp nơi, ở mọi nẻo đường, góc phố với muôn nghề nghiệp, hoàn cảnh. Họ có cuộc sống rất riêng, có những đóng góp rất riêng, góp phần dệt nên bức tranh tươi đẹp về nhân cách con người Đà Nẵng.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, chính họ đã truyền cảm hứng cho mọi người sống tốt và nhân văn hơn: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày một đáng sống hơn không chỉ là những cây cầu đẹp, những tòa nhà cao, những con đường rộng mà điều quan trọng hơn đó là chúng ta cần đến hàng triệu tấm lòng. Đó là những con người rất đỗi bình dị, chân chất, quả cảm và tràn đầy tình nhân ái”.
Tình yêu thương luôn biểu hiện xung quanh ta càng làm cho mùa xuân thêm tươi đẹp./.
Tác giả: Phương Cúc
Nguồn tin: Báo VOV