Ngày 22/5, phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội, thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết tình hình an ninh trên biển trong những tháng đầu năm 2018 diễn biến tương đối phức tạp.
"Đặc biệt dưới sự hỗ trợ của lực lượng chuyên trách, ngư dân Trung Quốc đánh bắt sâu trong vùng biển của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý", tướng Chiêm nói.
Ngang ngược hơn, có những lúc vài chục tàu của ngư dân dưới sự hỗ trợ của lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc, xua đuổi ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Trong tháng 4 có 3 vụ, có vụ cao điểm lên tới vài ba chục tàu.
Cận cảnh một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu vỏ sắt Trung Quốc tông. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Nhiều lúc lúc tàu ngư dân Trung Quốc vào đến vùng biển cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 30 hải lý để đánh bắt hải sản.
"Đây là thủ đoạn tuyên truyền, đồng thời xâm lấn, tuyên bố chủ quyền trên biển, tuyên bố thực thi đường lưỡi bò. Bộ Quốc phòng đã tổ chức kiên quyết xua đuổi các tàu, thuyền này ra khỏi khu vực", Thứ trưởng Chiêm khẳng định.
Hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ chưa tốt
Cũng theo đại diện Bộ Quốc phòng, vẫn còn tình trạng ngư dân Việt Nam vi phạm, đi vào các vùng biển nhạy cảm, thuộc phạm vi quản lý của các nước, vào sâu những vùng biển nước khác để đánh bắt.
Thứ trưởng Lê Chiêm cho rằng việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đã có chủ trương nhưng đến giờ hiệu quả chưa thật cao. Nghị định 67 về đóng tàu công suất cao để đánh bắt xa bờ thì tàu chất lượng kém, khiến ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, bị thiệt hại nhưng chưa xử lý dứt điểm.
"Lỗi ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Phải truy tố để giải quyết dứt điểm. Bây giờ, ngư dân vay tiền của ngân hàng đưa cho anh để đóng tàu mà tàu anh đóng không đạt tiêu chuẩn rồi nói trên trời, dưới đất thì không minh bạch, không thẳng thắn", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói.
Dù hợp đồng giữa người dân và nhà máy đóng tàu là hợp đồng dân sự, Nhà nước, chính quyền cũng cần có sự tham gia hỗ trợ để giải quyết thỏa đáng cho người dân.
"Ngư dân bỏ tiền ra đó là mồ hôi và nước mắt, công sức của họ vì vậy cần giải quyết thỏa đáng, đền bù thỏa đáng cho người dân để người dân không bị thiệt thòi. Bởi vì đây là chính sách ưu đãi cho người dân của chúng ta", tướng Chiêm phân tích.
Gỗ nhập 1 cây nhưng gỗ lậu 4-5 cây
Một vấn đề khác được tướng Chiêm cho ý kiến là tình trạng phá rừng nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, do sự buông lỏng quản lý của các địa phương.
Theo đó, các vụ việc phá rửng ở Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum... khiến dư luận bức xúc. Rừng ở Tây Nguyên đang đóng cửa nhưng thực hiện ở cơ sở rất kém.
Lán trại của trùm gỗ lậu Phương "râu" dựng gần đồn biên phòng ở Đắk Nông. Ảnh: Trần Lộc. |
"Tại sao tồn tại những xưởng gỗ rất lớn làm gỗ lậu như ở Gia Lai vừa rồi nằm ngay ở thị trấn, rồi vụ gỗ ở Đắk Lắk, Đắk Nông? Vụ việc đó Trung ương không vào làm thì làm sao phát hiện ra được", tướng Chiêm nói.
Theo ông, với tình trạng Việt Nam đóng cửa rừng nhưng vẫn nhập gỗ từ Lào, Camphuchia thì cơ quan chức năng khó xử lý. Gỗ nhập vào 1 cây nhưng gỗ lậu 4-5 cây. Riêng, lực lượng biên phòng vừa rồi phải đình chỉ công tác, kiểm điểm, cách chức một số người liên quan tới khai thác rừng.
"Chúng ta phải xử lý nghiêm túc vì rừng càng ngày càng cạn kiệt. Kho gỗ, xưởng gỗ nằm ngay trên địa bàn mà địa phương không xử lý được", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Tác giả: Thắng Quang
Nguồn tin: zing.vn