Tin địa phương

Nhiều vướng mắc tại Dự án Làng Đại học Đà Nẵng

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 tại Quyết định số 1057/QĐ-TTg, Dự án Làng Đại học Đà Nẵng có quy mô 300ha, định hướng hình thành một trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học lớn của khu vực miền trung-Tây Nguyên.

Một góc của Làng Đại học Đà Nẵng hiện nay.

Trong đó, 110ha thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn cũ, nay là phường Ngũ Hành Sơn thuộc thành phố Đà Nẵng), còn lại khoảng 190ha thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (cũ) nay là phường Điện Bàn Đông).

Đến nay, khu vực Hòa Quý đã có một số hạng mục hạ tầng được khởi động, trong khi phần diện tích phía Điện Bàn Đông hầu như chưa có chuyển động đáng kể. Dự án chậm tiến độ kéo dài không chỉ là sự lãng phí về quỹ đất và nguồn lực mà còn tạo ra những tác động tiêu cực đến đời sống người dân và công tác quản lý đô thị.

Tại khối Tứ Hà (phường Điện Bàn Đông), bà Võ Thị Dân (77 tuổi) cho biết: “Gia đình tôi có năm người con đã lập gia đình nhưng không thể tách thửa để chia đất dựng nhà riêng. Nhà cửa xuống cấp cũng không được sửa chữa vì nằm trong vùng dự án, đã gần 30 năm chúng tôi sinh hoạt tạm bợ, không biết bao giờ ổn định”.

Hơn 300 hộ dân trong khu vực cũng tương tự: đất không được cấp phép xây dựng, tài sản không thể thế chấp để vay vốn làm ăn, hạ tầng thiết yếu không được đầu tư, con em học hành trong điều kiện thiếu thốn.

Ông Trương Hà, Khối trưởng khối phố Tứ Hà cho biết: “Dự án kéo dài quá lâu khiến địa phương không thể đưa vào kế hoạch đầu tư công các công trình thiết yếu như trường học, đường giao thông, điện chiếu sáng… Mỗi lần mưa lớn là đường lầy lội, mùa nắng thì bụi mù, chập chờn, công trình văn hóa-thể thao xuống cấp”.

Do khu vực này nằm gần các trường đại học và cao đẳng, số lượng sinh viên thuê trọ ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép tràn lan để đáp ứng nhu cầu nhà trọ. Chính quyền cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm vì vướng “treo”.

Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án. Quy hoạch phân khu 1/2.000 khu vực Làng Đại học Đà Nẵng đã được điều chỉnh và phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 9/7/2020. Trong đó, khu vực phía Điện Bàn Đông giữ lại khoảng 30ha dân cư để chỉnh trang đô thị, phần còn lại dành cho các hạng mục đầu tư xây dựng đồng bộ.

Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết 1/500 tại khu vực Điện Bàn Đông đến nay chưa được triển khai, trở thành điểm nghẽn kỹ thuật quan trọng cho các khâu tiếp theo như lập dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng, phương án quy hoạch dự kiến yêu cầu giải phóng hơn 170ha, ảnh hưởng khoảng 1.845 hộ dân, gồm hơn 1.300 hộ bị ảnh hưởng đất ở, 440 hộ đất nông nghiệp và 30 trường hợp liên quan đất tôn giáo, tín ngưỡng.

Số lượng lô đất cần có để bố trí tái định cư khoảng 3.155. Ước tính chi phí đầu tư cho khu tái định cư lên tới 1.175 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ, đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cần có lộ trình đầu tư trung hạn, hợp lý.

Dự án thuộc nhóm A, thời gian thực hiện theo luật định từ 5-6 năm. Nếu không tháo gỡ dứt điểm những rào cản về quy hoạch và giải phóng mặt bằng ngay từ bây giờ, chi phí triển khai sẽ tiếp tục tăng, áp lực xã hội ngày càng lớn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho biết: “Dự án đang được thi công phía Hòa Quý. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu xây lắp các khối nhà. Riêng với khu vực Điện Bàn Đông, sau khi hoàn tất các bước điều chỉnh địa giới và quy hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với lãnh đạo thành phố để thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...”.

Trước khi sáp nhập, tỉnh Quảng Nam đã xác định Dự án Làng Đại học Đà Nẵng là một trong các trọng điểm quy hoạch phát triển giáo dục-đào tạo. Tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024, quy hoạch tỉnh nêu rõ mục tiêu xây dựng trung tâm giáo dục đại học chất lượng cao tại khu vực phía bắc, kết nối chặt chẽ với Đại học Đà Nẵng và các đô thị vệ tinh.

Sau sáp nhập, thành phố Đà Nẵng có thêm dư địa và điều kiện để điều chỉnh quy hoạch phát triển đồng bộ, tránh chồng chéo. Việc tập trung quản lý thống nhất là lợi thế lớn để tháo gỡ những vướng mắc kéo dài trước đây. Song để chuyển “lợi thế” thành “hành động cụ thể”, rất cần sự vào cuộc kiên quyết của các sở, ngành chức năng.

Tác giả: Đình Tăng

Nguồn tin: nhandan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP