Nhân ái

Thương người đàn ông với nụ cười... "khó coi"

Hơn 60 tuổi nhưng ông chưa một ngày được sống như người bình thường. Căn bệnh quái ác đang rút cơ thể ông co lại, những cơn đau thâu đêm. Mẹ già mất, nhà cửa cũng không còn, ông phải đến nương nhờ em gái, ngày ngày nằm co quắp trên chiếc chõng đơn trong góc tường.

Tìm về xóm 2, xã Nam Lộc, Nam Đàn (Nghệ An) hỏi thăm ông ‘Kính tật’, ai ai cũng lắc đầu cám cảnh. Hàng chục năm qua, chẳng ai lạ gì cảnh một người đàn ông với thân hình co quắp, khổ sở nằm bệt trên chõng tre trong góc nhà.

Ông tên thật là Đậu Văn Kính (SN 1954). Từ lúc bẩm sinh, ông đã mang thân phận bất hạnh khi không được khỏe mạnh như người thường. Mẹ ông là bà Đậu Thị Ân sinh được 3 người con, ông Kính là con trai duy nhất. 2 người con gái sớm lấy chồng, một mình bà Ân nai lưng, buộc bụng chăm sóc đứa con trai tàn tật từ thuở lọt lòng đến lúc trưởng thành vẫn chỉ nằm được một bề trên chiếc chõng.

Thương người đàn ông với nụ cười... khó coi
Ông Kính hơn 60 tuổi, từ lúc sinh ra đến lúc về già ông phải chịu đựng bao khổ cực vì bệnh tật


Suốt nhiều năm trời, 2 mẹ con sống tạm bợ tại xóm 3, xã Nam Lộc. Bà mẹ già một tay làm lụng sớm trưa, một tay chăm sóc đứa con trai bất hạnh. Đến năm 2010, bà Ân lâm bệnh qua đời, lúc này ông ‘Kính tật’ bơ vơ chẳng còn ai cưu mang. Nhà cửa cũng chẳng còn, ông đành tìm đến nương nhờ vợ chồng em gái thứ 2 ở xóm trên.

Trong một góc buồng ẩm thấp, người đàn ông với gương mặt ‘khó coi’ nằm co quắp trên chiếc chõng nhỏ, miệng rên rỉ không thành tiếng do cơn đau hành hạ. Bà Nguyễn Thị Hường (SN 1967, em gái ông Kính) cho biết, do dây thần kinh co giật nên anh trai đau khắp người, rên rỉ suốt ngày đêm.

Bố mẹ mất, ông sống nhờ vào nhà em gái.
Bố mẹ mất, ông sống nhờ vào nhà em gái.


“Nhiều đêm trở trời anh ấy không ngủ được chút nào vì đau quá. Vợ chồng tôi thương anh nhưng chẳng biết làm sao. Nhất là vào mùa rét, hầu như ngày nào anh cũng bị cơn đau hành hạ dù uống thuốc liên miên. Để anh ăn được cơm, tôi phải xoa dầu cho anh cho đỡ đau. Tội nghiệp lắm!”, bà Hường buồn bã. Vợ chồng chị cũng chỉ làm nông, ngày ngày phải ra đồng. Những lúc ấy, ông ‘Kính tật’ chỉ nằm một chỗ trong góc buồng!

Do chỉ nằm được một chỗ, hiện một chân và tay của ông Kính đã bị liệt không thể cử động. Chúng tôi muốn hỏi ông vài câu nhưng người đàn ông khốn khổ không thể phát âm thành tiếng. Mỗi lần cố gắng nói thì cái miệng bị giật móm méo lại, nước mắt ông lại rỉ ra.

Ông sống trong nhà em gái cũng chỉ có chiếc giường bằng chõng tre để nằm tạm.
Ông sống trong nhà em gái cũng chỉ có chiếc giường bằng chõng tre để nằm tạm.


Bà Hường cho biết, mỗi ngày ông Kính chỉ ăn được nửa bát cơm vào buổi sáng, trưa và tối ông không ăn được gì, mà uống một vài ly sữa nhưng tiền lấy đâu ra để mua cho anh. Ngày nào ông cũng phải uống thuốc mà hai vợ chồng còn phải lo lắng mưu sinh, nuôi con cái học hành nên khó kham nổi. Nhiều lúc vợ chồng chị hết cả tiền mua thuốc, chị đành nuốt nước mắt nhìn người anh trai tội nghiệp rên rỉ đau đớn.

“Có hôm anh cố để nói chuyện. Anh gắng nói rằng muốn chết đi để khỏi phải chịu khổ, để được đi gặp mẹ. Vợ chồng tôi nghe anh nói mà nước mắt trào ra không kìm lại được. Dạo này anh bị đau khắp người, hầu như không đêm nào ngủ được. Không có tiền để đi khám, chúng tôi chỉ biết động viên anh chịu khó chịu khổ mà thôi chú ơi!”, bà Hường nói như khóc.

Xác nhận của chính quyền địa phương.
Xác nhận của chính quyền địa phương.


Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về : Bà Nguyễn Thị Hường, xóm 2, xã Nam Lộc, Nam Đàn, Nghệ An. Số điện thoại bà Hường - em gái ông Kính: 01664.986.788

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP