Những tháng gần đây, nhiều người dân ở Thừa Thiên Huế trở thành những thương lái đi thu mua cau non. Với chiếc xe máy cùng với cái cân nhỏ, nhiều thương lái tìm về các vùng quê có trồng cau để thu mua cau non từ các hộ dân. Tại huyện Nam Đông, thị xã Hương Trà, hai địa phương có diện tích trồng cau lớn, xuất hiện nhiều cơ sở tập kết thu gom cau non với số lượng lớn.
Hàng tấn cau non được thương lái thu mua về. Ảnh: Võ Thạnh. |
Vừa nhập 41 kg cau non từ một thương lái, ông Phạm Sinh chủ cơ sở thu mua cau non ở thôn Giáp Nhì (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) cho biết, trung bình mỗi ngày, cơ sở ông nhập vào khoảng 2 tấn cau non từ các thương lái. Cau non được các thương lái thu mua tại vườn với giá 12.000 đồng một kg. Sau khi nhập cau non về, ông thuê người trong thôn tách cau ra khỏi buồng đóng vào bao xuất ra các đại lý ở phía Bắc với giá 20.000 đồng mỗi kg để xuất sang Trung Quốc. Mùa thu mua cau non bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12.
Theo ông Sinh, cau non khô được người Trung Quốc mua về chế biến kẹo cau xuất sang các nước châu Âu.
Ngoài cơ sở ông Sinh, cơ sở ông Phạm Cường ở thôn Giáp Nhì (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) cũng thu mua cau non với số lượng rất lớn. Hàng ngày, cơ sở thu mua khoảng 10 tấn cau non, thuê khoảng 10 nhân công tách cau khỏi buồng.
Tại cơ sở này, cau non thu mua về sẽ được đưa vào lò sấy khô, sau đó phân loại đóng bao xuất bán sang Trung Quốc với giá 100.000-120.000 đồng một kg.
Cau non được sấy khô rồi xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Võ Thạnh. |
Từ khi phong trào thu mua cau non xuất hiện, nhiều người dân biết trèo cau ở địa phương đã trở thành những người đi thu mua rồi bán lại cho các cơ sở tập kết cau để kiếm lời. Trung bình, mỗi ngày một người kiếm từ 200.000 đến 400.000 đồng.
Ông Nguyễn Xuân Chinh, Phó chủ tịch phường Hương Văn (thị xã Hương Trà) cho biết, cách đây hai năm trên địa bàn từng xảy ra hiện tượng thương lái ồ ạt thu mua cau non xuất sang Trung Quốc. Lúc đó, nhiều thôn trên địa bàn phường có cơ sở thu mua cau non từ các hộ dân.
"Hiện nay trên địa bàn phường chỉ còn hai cơ sở ở thôn Giáp Nhì là có thu mua cau, còn thu mua cau non hay cau già, chúng tôi chưa nắm. Nhiều hộ dân tranh thủ việc đồng áng ít cũng đi thu mua cau về nhập cho hai cơ sở này kiếm lãi. Do số lượng người đi thu mua không cố định nên phường không nắm rõ", ông Chinh nói.
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết, huyện Nam Đông là địa bàn có diện tích trồng cau lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tác giả: Võ Thạnh
Nguồn tin: Báo VnExpress