Hành trang đem tới G-7 lần này của Tổng thống Trump hoàn toàn khác biệt với 2 năm trước. Ông tới Pháp chỉ một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế đáp trả với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng cũng gồng gánh bên mình cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh vốn được xem là gót chân Achille mà nguyên thủ các nước G-7 còn lại xoáy sâu để chỉ trích.
Hôm qua, khi được hỏi rằng liệu ông có suy nghĩ lại về cuộc chiến thương mại đang leo thang hiện nay hay không, Tổng thống Trump nhanh chóng đáp rằng: "Có chứ, chắc chắn rồi, tại sao không. Có thể tôi sẽ suy nghĩ lại. Tôi thường cân nhắc thay đổi về mọi thứ".
Nhà Trắng cải chính tuyên bố hối tiếc vì dấn thân vào thương chiến với Trung Quốc của Tổng thống Trump. (Ảnh: WA) |
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump thừa nhận hối tiếc khi dấn thân vào thương chiến với Mỹ.
Nhưng vài giờ sau, Nhà Trắng lên tiếng cải chính tuyên bố này.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham khẳng định tất cả đang hiểu nhầm ý của Tổng thống Mỹ, điều nuối tiếc mà ông chủ Nhà Trắng nói tới ở đây là ông đã không đánh thuế Trung Quốc cao hơn.
Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow, người đứng không xa khi ông Trump phát biểu nói rằng ông không nghe rõ câu hỏi câu hỏi dù trên thực tế phóng viên nhắc lại câu hỏi tới 3 lần và ông cũng trả lời 3 lần.
Cách đây vài tuần, ông Trump tuyên bố dời lịch áp thuế mới với Trung Quốc sau khi các trợ lý của ông bày tỏ lo ngại về tác động của nó với thị trường vào mùa Giáng sinh và suy thoái kinh tế.
Tại Pháp, nhà lãnh đạo Mỹ nói ông hiện chưa có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với Trung Quốc, nhưng khẳng định bản thân có quyền viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp 1977 để đối phó với Bắc Kinh.
Ông trích dẫn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc và thâm hụt thương mại của Mỹ trong giao thương với đất nước tỷ dân, đồng thời khẳng định sẽ không chùn bước khi đối đầu với Bắc Kinh.
Trước khi ông Trump tới Pháp, giới quan sát tin rằng ông sẽ phải hứng chịu làn sóng chỉ trích đồng loạt từ các nhà lãnh đạo G-7 khác vì chiến thuật thương mại đang khiến kinh tế toàn cầu đứng trước bờ vực suy thoái. Nhưng khi đặt chân tới Biarritz, ông khẳng định vẫn đang rất hòa hợp với nguyên thủ các nước khác.
Tuy nhiên, thực tế có phần khác biệt. Nhà lãnh đạo Mỹ dường như không hòa giọng được với hầu hết các lãnh đạo G-7 khác trong các vấn đề quan trọng, từ ý tưởng Nga trở lại cơ chế G-7, vấn đề Iran hay hạt nhân Triều Tiên.
Trong ngày làm việc thứ 2 của G-7, chính phủ Pháp cho biết các nhà lãnh đạo đã nhất trí để Tổng thống Macron thay mặt G-7 gửi thông điệp tới Iran. Tổng thống Trump phủ nhận, khẳng định ông không thảo luận về nó.
Tổng thống Trump và lãnh đạo các nước G-7 cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại phiên thảo luận bàn tròn sáng 25/8. (Ảnh: CBS News) |
Trong vài tháng gần đây, Tổng thống Macron đảm nhận vai trò lãnh đạo trong nỗ lực cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ đơn phương rút khỏi năm 2018. Người Pháp thậm chí còn đi xa hơn khi mời Ngoại trưởng Iran Jawad Zarif tới Biarritz.
Tổng thống Trump nói ông không bình luận về sự hiện diện của ông Zarif. Nhà Trắng nói họ không được thông báo về việc Ngoại trưởng Iran sẽ xuất hiện, một dấu hiệu nữa cho thấy vai trò giảm sút của nguyên thủ Mỹ.
Ông Trump cũng vấp phải sự phản đối của các nhà lãnh đạo châu Âu về ý tưởng mời Nga trở lại G-7. Khi đề xuất không được hưởng ứng, ông úp mở có thể mời Tổng thống Putin tới Mỹ vào G-7 năm sau với tư cách là khách mời đặc biệt.
Trong cuộc gặp với đại diện châu Á duy nhất tại G-7, ông Trump cũng xảy ra bất đồng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong khi ông khẳng định các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không vi phạm thỏa thuận, ông Abe lại nhấn mạnh rằng các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và xem đó là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.
"Chúng ta đang ở trong một thế giới của tên lửa dù bạn có thích điều đó hay không", ông Trump nói với các phóng viên.
Tác giả: SONG HY
Nguồn tin: Báo VTC News