Sau khi Bộ Tài chính đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó nâng khung thuế với xăng lên 3.000-8.000 đồng/lít, nhiều bộ ngành đã có ý kiến gửi Bộ Tài chính.
Trong đó, Bộ Nội vụ có ý kiến ngắn gọn là “nhất trí với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, do Bộ Tài chính chuẩn bị.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao thì đề nghị Bộ Tài chính “cân nhắc thật kỹ sự cần thiết, lộ trình thực hiện, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, mặt hàng thiết yếu này đã gánh nhiều loại thuế, phí”.
Đồng thời, Bộ này đề nghị bổ sung đánh giá tác động về kinh tế, xã hội đối với phương án nâng mức sàn, mức trần biểu khung thuế của xăng trong dự thảo báo cáo.
Bộ Tư pháp thì nhận xét: Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường còn sơ sài,... Báo cáo đánh giá tác động chưa nêu bật được nội dung của chính sách, không có đánh giá tác động định lượng mà chỉ sử dụng phương pháp định tính trong khi mức thuế bảo vệ môi trường lại tăng 2,5 lần so với quy định hiện hành.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tài chính đánh giá tác động một cách cẩn trọng đối với các chính sách trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn lên gấp đôi quy định hiện hành, tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa.
“Việc điều chỉnh tăng mức thuế tối thiểu - tối đa trong biểu khung thuế cũng sẽ dẫn đến tăng mức thuế suất cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và DN”, Bộ Tư pháp băn khoăn.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng lo ngại: Việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
"Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, thì vô hình chung, chính sách này khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài, VCCI phân tích.
Do đó, VCCI nhận thấy việc tăng thuế đối với xăng dầu cần được đánh giá tác động một cách bài bản và khách quan đối với toàn bộ nền kinh tế. Cần có đánh giá dựa trên ba giả thuyết về mức thuế suất: mức sàn, mức trần và mức trung bình.
Bộ Tài chính giải trình thế nào?
Giải trình lại ý kiến của các bộ ngành về việc khung thuế nới rộng, Bộ Tài chính đưa ra 4 lý do.
Một là việc này nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.
Hai là đảm bảo chính sách có tính ổn định.
Ba là phù hợp với lộ trình dài, thay thế thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần theo cam kết quốc tế.
Cụ thể, Bộ Tài chính lý giải, theo Hiệp định thương mại tự do trong nội khối ASEAN thì mức thuế đối với các loại dầu sẽ về 0% vào năm 2016, xăng về 8% vào năm 2021, 5% vào năm 2023 và 0% vào năm 2024. Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc thì mức thuế đối với một số loại dầu về 5% và 8% vào năm 2016. Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc thì mức thuế đối với dầu các loại về 0% và xăng về 10% vào năm 2018, về 8% vào năm 2021.
Bốn là phù hợp với mức thu của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu, ý là giá xăng dầu Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước nên dễ phát sinh buôn lậu.
Vì vậy, Bộ đề nghị giữ phương án điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng ở mức tối thiểu là 3.000 đồng/lít và tối đa là 8.000 đồng/lít.
Theo Bộ Tài chính, mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể của từng giai đoạn sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cho phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước từng thời kỳ.
Ngày 6/2, Bộ Tư pháp đã họp thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính. Tham dự cuộc họp có đại diện nhiều bộ ngành, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, Hiệp hội Nhựa, đại diện các DN. Phía Bộ Tài chính có ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, tham dự và giải đáp các vấn đề liên quan. |
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, do đó, việc tăng giá đối với xăng dầu không làm ảnh hưởng nhiều đến tổng lượng tiêu thụ của người dân. Nói cách khác, nếu mục tiêu chính sách là để hạn chế tác động môi trường thông qua việc hạn chế tiêu thụ xăng dầu, thì việc tăng thuế không mang lại hiệu quả đáng kể. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng không nên bù bằng cách tăng Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. |
Tác giả bài viết: Lương Bằng
Nguồn tin: