Nhiều người làm công ăn lương kêu bị thuế “siết” quá chặt. Trong ảnh: người dân nộp quyết toán thuế tại Cục Thuế TP - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh dù áp dụng nhiều năm nhưng không được đề xuất nâng lên khi lấy ý kiến góp ý cho dự luật Thuế TNCN sửa đổi (dự kiến áp dụng từ 1-1-2019) dù giá cả các dịch vụ công đều tăng mạnh.
Chúng tôi đã tiết kiệm, trích lương ra để làm từ thiện mà lại phải đóng thuế cho cả những khoản đã làm từ thiện Chị HOÀNG PHƯƠNG (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) |
Nộp thuế cả những khoản góp từ thiện
Đọc báo thấy các mảnh đời khó khăn, nhiều người đã trích tiền lương hằng tháng để đóng góp từ thiện nhưng khoản này không được đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế TNCN.
Ông Đ.L., quận 8, TP.HCM, cho biết đã gửi văn bản hỏi Cục Thuế TP và nhận được trả lời là những khoản chi đóng góp từ thiện thông qua báo chí không được giảm trừ khi tính thuế TNCN, do không nằm trong danh sách các tổ chức, cơ sở và các quỹ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận...
Các khoản đóng góp từ thiện chỉ được giảm trừ khi tính thuế nếu nộp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa... được thành lập và hoạt động theo nghị định 68 của Chính phủ.
Người đóng góp từ thiện vào các tổ chức này cũng phải có các chứng từ thu hợp pháp của những tổ chức này để chứng minh với cơ quan thuế.
Chị Hoàng Phương, quận Bình Thạnh, cho hay công ty chị công tác có hoạt động xã hội khá mạnh và hay đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Trong năm, nhiều lần nhận bảng lương chị thấy có các khoản trừ đóng góp xây nhà tình thương, tình nghĩa, ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa theo chương trình riêng của công ty. Cuối năm cũng có ủng hộ dạng chăm lo tết cho trẻ em nghèo.
Những hoạt động này thường do công ty tự thực hiện. Và khi quyết toán thuế, chị ngạc nhiên khi các khoản đóng góp này không được đưa vào chi phí được trừ. Khi chị thắc mắc, kế toán công ty giải thích là các khoản này không được trừ do không đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học... được thành lập và hoạt động theo nghị định 30 của Chính phủ.
Ngoài ra, phải có tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của trung ương hoặc của tỉnh cấp. "Như vậy quá bất hợp lý và cứng nhắc với người nộp thuế vì chúng tôi đã tiết kiệm, trích lương ra để làm từ thiện mà lại phải đóng thuế cho cả những khoản đã làm từ thiện!" - chị Phương nói.
Lỗ cũng phải nộp thuế Chính sách thu một mức thuế 0,1% trên giá trị chuyển nhượng chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư lỗ cũng phải nộp thuế. Anh Thanh Hải, một nhà đầu tư chứng khoán ở quận 3, TP.HCM, cho biết dù thị trường chứng khoán liên tục giảm trong một thời gian dài, nhiều cổ phiếu giảm giá rất mạnh, nhà đầu tư bắt buộc phải bán lỗ chứng khoán để cơ cấu lại danh mục đầu tư nhưng vẫn bị bắt buộc phải nộp thuế 0,1% trên giá trị mỗi lần chuyển nhượng. "Chính sách thuế này quá bất hợp lý nhưng không được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi dù nhà đầu tư đã phản ảnh suốt thời gian qua" - anh Hải nói. |
Ảnh hưởng đến quyền lợi người nghèo
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo chi cục thuế tại một quận trung tâm TP.HCM cho biết trong thực tế đã có cá nhân đóng góp từ thiện lên đến 300-400 triệu đồng/năm để hỗ trợ cho các trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc hở hàm ếch phẫu thuật.
Tuy nhiên, do họ ủng hộ thông qua các bệnh viện chứ không qua các tổ chức theo quy định nên cơ quan thuế không thể tính giảm trừ cho họ khi tính thuế TNCN. Chỉ có những khoản đóng góp cho hội Chữ thập đỏ, làng SOS... mới được giảm trừ.
Theo luật sư Trần Xoa, đây là quy định quá bất hợp lý và ảnh hưởng đến quyền lợi của người nghèo. Ông Xoa cho rằng hằng ngày báo chí đăng tải rất nhiều những mảnh đời không may mắn. Nhiều người có lòng hảo tâm đã ủng hộ để các trường hợp này điều trị bệnh, hoặc giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc sống. Khi họ ủng hộ tiền, các báo có cấp cho họ phiếu thu hoặc thư cảm ơn ghi nhận số tiền họ đã đóng góp.
"Cơ quan thuế nên sửa quy định này, mở rộng đối tượng ngoài nghị định số 30 như một số tờ báo lớn, uy tín là những nơi thường tổ chức chương trình từ thiện để tính giảm trừ cho họ. Tất nhiên không ai đóng góp từ thiện nhằm mục đích được giảm trừ khi tính thuế.
Tuy nhiên sẽ rất bất hợp lý khi khoản tiền đóng góp từ thiện lại bị đóng thuế thêm một lần nữa. Như vậy là quá tận thu" - ông Xoa nói.
Dù thừa nhận thực tế có những khoản đóng góp chưa được giảm trừ khi tính thuế TNCN nhưng lãnh đạo Cục Thuế TP cho rằng có cái khó là chưa thể quản lý hết được nguồn thu nhập. Do vậy, khoản giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng xem như khoản khoán hằng tháng. "Cơ quan thuế sẽ ghi nhận phản ảnh của người nộp thuế để góp ý khi sửa đổi luật thuế" - vị này cho biết.
Người dân luôn ở thế "bị thiệt"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia và người nộp thuế khá bức xúc vì cho rằng cơ quan thuế luôn tính rất kỹ với người nộp thuế khiến họ luôn ở thế bị thiệt thòi.
Đơn cử như việc không đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc khi lấy ý kiến góp ý cho dự luật thuế TNCN sửa đổi, dự kiến áp dụng từ 1-1-2019, với lý do mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng 5 năm nay hiện vẫn còn phù hợp.
Trong thực tế, chi phí sinh hoạt của người dân đã tăng rất mạnh trong thời gian qua. Lạm phát từ năm 2013-2017 đã tăng 16,75% và có khả năng gần chạm mức 20% nếu tính cả năm 2018. Điều bất hợp lý là cũng trong giai đoạn này, giá cả các dịch vụ công do Nhà nước ấn định liên tục tăng, chưa kể một số loại thuế cũng tăng, như thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Ở chiều ngược lại, cơ quan thuế lại ban hành nhiều quy định theo kiểu "vơ đũa cả nắm" khiến "người ngay" gặp thiệt thòi. Điển hình là quy định phải sở hữu đủ 183 ngày mới được miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng căn nhà duy nhất. Chị Thu Hà (quận Bình Thạnh) cho biết cuối năm 2017 chị mua căn nhà, khi mua chị có ý định ở lâu dài nhưng ở một thời gian ngắn chị cảm thấy có một số bất tiện nên quyết định bán để đổi sang căn nhà khác.
Cứ nghĩ mình chỉ có duy nhất một căn nhà nên đương nhiên khi bán sẽ được miễn thuế TNCN nên chị Hà đã khai giá thật khi bán chứ không khai mức giá tối thiểu. Đến khi hồ sơ mua bán được công chứng xong gửi đến cơ quan thuế, chị được thông báo không được miễn thuế do còn thiếu 2 ngày mới đủ 183 ngày theo quy định. Với giá căn nhà hơn 5 tỉ đồng, chị Hà bị buộc phải nộp thuế TNCN hơn 100 triệu đồng.
"Tôi hiểu có những trường hợp người sở hữu nhiều nhà lách bằng cách sang tên cho người chưa sở hữu nhà và bán ngay để lách thuế nhưng việc vơ đũa cả nắm như vậy của ngành thuế khiến những "người ngay" như tôi thiệt thòi" - chị Hà bức xúc.
* Chuyên gia NGUYỄN THÁI SƠN:
Ngành thuế chỉ chăm bẵm nguồn thu Tôi cho rằng quy định giảm trừ khi tính thuế TNCN với những trường hợp ủng hộ từ thiện hiện nay rất bất hợp lý. Ở góc độ xã hội, nhiều cá nhân khi đạt đến mức độ nào đó thì họ muốn đóng góp trở lại cho xã hội, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn bằng rất nhiều hình thức. Ngoài giúp đỡ trực tiếp, họ có thể tìm đến các báo, bệnh viện... chứ không chỉ gói gọn trong những tổ chức theo quy định của ngành thuế. Họ không làm từ thiện nhằm mục đích để được khấu trừ thuế, nhưng nếu cơ quan quản lý cứ chăm bẵm nguồn thu ngân sách để ra những quy định khống chế như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người nộp thuế. * Ông LÊ KHÁNH LÂM (phó tổng giám đốc phụ trách thuế và tư vấn Công ty RSM): Phải điều chỉnh cho hợp lý hơn
Chính sách thuế VN có khá ít các khoản giảm trừ, hầu hết người nộp thuế mới được hưởng một số loại giảm trừ cơ bản như giảm trừ gia cảnh, giảm trừ người phụ thuộc, còn những khoản khác như đóng góp từ thiện, bệnh hiểm nghèo... muốn được hưởng thì phải đáp ứng những đòi hỏi khắt khe. Trong khi tại các nước, người nộp thuế có rất nhiều khoản được giảm trừ như hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, khuyến khích nhân tài... Theo tôi, trong lần điều chỉnh này, cơ quan quản lý nên tham khảo cách giảm trừ cũng như cách tính thuế theo hướng mới mà các quốc gia trong khu vực đang áp dụng để hợp lý hơn trong bối cảnh hiện nay. |
Tác giả: ÁNH HỒNG
Nguồn tin: tuoitre.vn