Giáo dục

Thừa Thiên Huế: Cấp dưỡng mầm non công lập hoang mang sẽ bị cắt lương nhà nước

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành một quyết định hủy bỏ quyết định trước về mức thù lao cho nhân viên vụ việc tại cơ sở giáo dục công lập. Quyết định này đã ảnh hưởng đến nhiều nhân viên cấp dưỡng ở cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Hoang mang và lúng túng

Ngày 30/9/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 2268/QĐ-UBND về việc hủy bỏ Quyết định số 1722 ngày 24/8/2011 về việc quy định tạm thời mức thù lao cho hợp đồng nhân viên vụ việc và hợp đồng giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập.

Trước đó, Quyết định 1722 quy định tiền lương hợp đồng nhân viên hợp đồng ghi rõ nguồn kinh phí chi trả thù lao trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Sau khi Quyết định 2268 hủy bỏ Quyết định 1722, nhân viên cấp dưỡng (CD) làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc nhân viên vụ việc đã khó khăn rất nhiều bởi quyết định 2268.

Quyết định số 2268/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ cắt lương từ ngân sách nhà nước trả cho cấp dưỡng ở trường mầm non công lập

Tại Thừa Thiên Huế có tổng số 1.020 CD. Trong đó có nhiều nơi chi trả lương bằng nguồn vốn xã hội hóa (XHH) như TP Huế 352 CD, Thị xã Hương Thủy 94 CD và huyện Phú Lộc 90 CD vẫn yên tâm vì lương không bị ảnh hưởng bởi việc ngân sách nhà nước cắt.

Tuy nhiên những nơi khác, nguồn chi trả lương cho CD từ 2 nguồn ngân sách nhà nước và XHH, hay toàn bộ từ ngân sách nhà nước đang đứng trước nhiều mối lo vì Quyết định 2268 ban hành thì nguồn lương từ ngân sách sẽ chấm dứt.

Công việc của cấp dưỡng rất khó nhọc vì làm việc cả ngày để lo bữa ăn cho trẻ (ảnh; các bảo mẫu, cấp dưỡng trường Mầm non 1, TP Huế đang lo bữa ăn cho trẻ)

Như ở huyện Phú Vang (có 138 CD, thu nhập 1,8-2,5 triệu//người/tháng) ngân sách huyện hỗ trợ 1,0 cho 1 người/trường + XHH từ 30 ngàn đến 40 ngàn/tháng; huyện Phong Điền (có 118 CD, thu nhập 1,8 triệu/người/tháng) ngân sách huyện hỗ trợ 1,5; huyện Quảng Điền (có 85 CD, thu nhập 1,6-2 triệu/người/tháng) ngân sách huyện hỗ trợ 1,0 + XHH từ 16 ngàn đến 30 ngàn/tháng…

Ở 2 huyện Phú Vang và Phong Điền sau khi cắt ngân sách huyện, hiện nay trong tháng 11 phải tạm ứng quỹ lương ở trường để trả lương cho CD.

Riêng ở Thị xã Hương Trà (có 117 CP, thu nhập từ 2,2-2,6 triệu/người/tháng) ngân sách huyện hỗ trợ 1,5 + XHH từ 10 ngàn đến 30 ngàn/tháng. Thị xã đã ngưng trả lương từ ngân sách huyện theo thứ tự là tháng 10. Hậu quả nhân viên CD chỉ nhận lương phần XHH ít ỏi rất vất vả.

Do đó, trên 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện chỉ có 7 địa bàn có nhân viên CD được nhận nguyên lương đến tháng 11. Tuy nhiên trong thời gian tới, nếu không tính toán từ nguồn XHH “đắp” vào đủ thì nhân viên CD, những người phải khổ cực làm việc gần như cả ngày cho bữa ăn các cháu, thì hầu như không đảm bảo được với thu nhập hiện có của hàng trăm nhân viên này.

Bảng báo cáo nhanh tình hình thu nhập lương nhân viên cấp dưỡng tại Thừa Thiên Huế đến tháng 11/2017. Một số địa phương đã tạm ngưng trả lương từ ngân sách


Trả lương cho cấp dưỡng theo điều kiện từng vùng

Qua trao đổi với PV Dân trí, theo ý kiến của lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện Theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGD ĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ngày 16/3/2015 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập như sau:

Cơ sở giáo dục mầm non công lập (trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ; nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập) quy định về vị trí nấu ăn (cấp dưỡng) – nếu trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động. Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 1 lao động hợp đồng để bố trí vào 1 vị trí nấu ăn.

Nhiều trường mầm non tại TP Huế vẫn yên tâm vì nguồn trả lương cho cấp dưỡng đã được thực hiện từ xã hội hóa

Thông tư này không nói rõ nguồn trả lương cho nhân viên CD là từ nguồn XHH hay từ ngân sách nhà nước. Thứ hai là thực tiễn ngành mầm non tại tỉnh Thừa Thiên Huế có đến 200 trường với khoảng 400 điểm trường, có trường to trường nhỏ nên dịch vụ đáp ứng bữa ăn các cháu khác nhau. Suy cho cùng tính pháp lý để trả lương cho nhân viên CD chưa rõ ràng. Từ đó các địa phương đã căn cứ Quyết định 1722 trước đây của tỉnh đế trả lương.

Qua thời gian, Sở Tài chính và Sở Tư pháp tỉnh chưa thấy đủ căn cứ pháp lý nên đã đề nghị hủy Quyết định 1722 nhưng chưa tìm được giải pháp khả thi, nên sau khi Quyết định 2268 ban hành đã làm cho nhiều địa phương lúng túng. Hiện các ngành đang hối hả để tham mưu UBND tỉnh nhưng chưa ban hành quyết định mới được.

Theo quan điểm của Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, nên phân thành 3 vùng: ở vùng thuận lợi, nguồn trả lương cho nhân viên CD được huy động XHH hoàn toàn trừ các đối tượng nghèo; ở vùng nông thôn thì nên vừa XHH vừa lấy một phần ngân sách nhà nước; và ở vùng bãi ngang, miền núi thì lấy hoàn toàn từ ngân sách nhà nước.

Công việc của cấp dưỡng là rất vất vả


Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Tác giả: Đại Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP