Một góc dự án ở Đa Phước nơi cần tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực để Đà Nẵng phát triển Ảnh: Nguyễn Thành |
Dễ khiếu kiện quốc tế
Cùng với việc nhìn nhận những hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực về tài nguyên, môi trường, sử dụng đất đai, xây dựng,… UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết đang gặp một số khó khăn trong việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và bản án của tòa đối với một số dự án, trong đó có dự án 29ha tại Khu đô thị Đa Phước và181 ha thuộc Dự án Sunrise Bay(đây là 2 dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ - PV).
Theo nhận định của UBND TP Đà Nẵng, việc tiến hành thu hồi cả hai dự án trên đều gặp nhiều vướng mắc pháp lý, có yếu tố nước ngoài dễ nảy sinh khiếu kiện quốc tế.
Đối với 29ha Khu đô thị quốc tế Đa Phước, UBND TP Đà Nẵng cho biết: Theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật dân sự, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã nhận chuyển quyền sử dụng khu đất 29ha của Công ty CP xây dựng 79 (Công ty do Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” làm Chủ tịch, đại diện pháp luật - PV) thuộc trường hợp không thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận và quyền sử dụng đã cấp. Do đó, khi thu hồi dự án 29ha có thể xảy ra khiếu kiện của Công ty TNHH MTV phát triển Nhà Đa Phước.
Mặt khác, khi thu hồi dự án là phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đã mua nhà và đang sinh sống tại đây. Sau khi thu hồi, việc giao lại đất cho các hộ dân là không thực hiện được với lý do: không giao trực tiếp mà phải thông qua đấu giá.
“Trong khi đó, yêu cầu của Tòa án là phải đảm bảo quyền lợi cho các công dân đang sinh sống nên việc này rất khó thực hiện trên thực tế. Đồng thời, việc thu hồi rất dễ nảy sinh khiếu kiện và gây mất an ninh trật tự của thành phố” - UBND TP Đà Nẵng nêu khó khăn.
UBND TP Đà Nẵng cũng bày tỏ lo ngại, khi thu hồi phải thực hiện bồi thường về tài sản hợp pháp của chủ đầu tư. Do đó, ngân sách phải cần số tiền rất lớn để bồi thường giá trị tài sản mà Công ty TNHH MTV Phát triển Nhà Đa Phước đã đầu tư vào dự án. Ngoài ra, sau khi thu hồi tài sản, việc sử dụng tài sản như thế nào là vấn đề rất khó thực hiện, dễ dẫn đến lãng phí, thất thoát tài sản.
|
UBND TP Đà Nẵng sẽ làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để đề xuất các cơ chế, chính sách mới và các phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý đất đai, đầu tư nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển của thành phố.
Ngoài ra, trường hợp thu hồi dự án 29ha sẽ tác động đến quyền lợi nghĩa vụ của Công ty TNHH Daewon Cantavil (Hàn Quốc), theo quy định công ty này có thể khiếu kiện ra tòa án quốc tế.(Đây là công ty đã tiến hành san lấp khu đất và góp vốn liên doanh với Công ty CP Xây dựng 79).
Vướng mắc pháp lý
Do đó, UBND TP Đà Nẵng cho rằng, việc thực hiện thu hồi 29ha và thực hiện các thủ tục pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất này là không thể thực hiện được.
Đối với 181 ha của Dự án Sunrise Bay, UBND TP Đà Nẵng cho biết, đã ban hành kế hoạch thu hồi theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc vì chưa có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục, quy trình thu hồi dự án này.
Tương tự dự án 29ha, dự án này cũng có yếu tố nước ngoài, nên việc thu hồi mà không đảm bảo đầy đủ về cơ sở pháp lý thì sẽ phát sinh khiếu kiện quốc tế. Trong khi kết luận thanh tra đặt ra yêu cầu “Tránh xảy ra khiếu kiện sau này”.
Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết thêm, hiện nay, Công ty TNHH The Sunrise Bay đã đầu tư vào dự án với số tiền rất lớn và công ty đã ký rất nhiều hợp đồng mua bán nhà tại dự án từ tổ chức, cá nhân (dưới hình thức góp vốn, đặt cọc). Do đó, việc thu hồi dự án sẽ có nguy cơ xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người và nợ xấu ngân hàng với số tiền hàng ngàn tỷ đồng, gây mất ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, hậu quả về mặt ổn định chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn.
Tác giả: NGUYỄN THÀNH
Nguồn tin: Báo Tiền phong