Tin địa phương

Nan giải thi hành án bất động sản liên quan Vũ 'nhôm'

Theo phán quyết của tòa trong vụ án Phan Văn Anh Vũ và các cựu lãnh đạo TP Đà Nẵng, sẽ có hàng loạt bất động sản, dự án bị thu hồi, kê biên.

Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, một trong loạt bất động sản phải thi hành án nhưng hiện đã bán cho nhiều người dân - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Trong khi đó, hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan thi hành án, UBND TP Đà Nẵng.

Vậy việc thi hành án liên quan đến loạt bất động sản, dự án này sẽ như thế nào?

Thu hồi, kê biên loạt bất động sản

Theo Cục Thi hành án dân sự (THADS) Đà Nẵng, đơn vị được Cục THADS Hà Nội ủy thác thi hành bản án sơ thẩm số 20 của TAND Hà Nội, bản án phúc thẩm số 158 của TAND cấp cao tại Hà Nội.

Theo ông Trần Phước Thu - cục trưởng Cục THADS Đà Nẵng, tháng 10-2020 đơn vị đã nhận 2 quyết định ủy thác của Cục THADS Hà Nội.

Trong đó có một quyết định giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi 11 nhà, đất và một số dự án (bao gồm dự án khu đô thị Đa Phước); kê biên đảm bảo 28 tài sản bất động sản để đảm bảo thi hành án hàng ngàn tỉ đồng. Cục đã thực hiện đầy đủ các quyết định tống đạt, thông báo cho các bên.

Về phía UBND TP, với tư cách là người được thi hành án, nhận tài sản và đã giao cho sở cùng phối hợp thực hiện việc thi hành án. Cơ quan thi hành án đã họp liên ngành và tập trung xác minh điều kiện thi hành án.

"Đây là vụ việc hết sức phức tạp, tài sản rất là lớn" - ông Thu nói. Ông Thu cũng cho biết trong quá trình triển khai, cơ quan thi hành án nhận nhiều đơn khiếu nại của cá nhân, tổ chức liên quan đến các tài sản trong vụ án.

Quyền lợi của bên thứ ba ngay tình?

Theo tìm hiểu, thời gian qua nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan trong vụ án đã có đơn khiếu nại, kêu cứu gửi cơ quan chức năng. Họ cho rằng mình là bên thứ ba ngay tình nhưng bị kê biên, thu hồi tài sản.

Đại biểu HĐND Trần Tuấn Lợi - chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - cho biết tại các kỳ họp HĐND TP ông đã đưa vấn đề liên quan đến bản án đã tuyên, mà đặc biệt là việc thu hồi dự án 29ha khu đô thị Đa Phước.

Theo ông Lợi, đây là vấn đề cử tri TP, khách hàng tại dự án và đối tác hết sức lo lắng. Phán quyết như vậy gây ra bất an cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định, hợp pháp tại dự án.

Ngoài ra, hiện nay tổng dư nợ của Công ty Đa Phước tại hai ngân hàng Vietcombank và SHB lên đến 1.500 tỉ đồng. Đây là các khoản vay để Đa Phước phát triển dự án, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khu đất 29ha.

Khi toàn bộ quyền sử dụng đất bị thu hồi, Công ty Đa Phước khó tránh khỏi việc bị phá sản, các khoản nợ ngân hàng trở thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại nghiêm trọng quyền và lợi ích của ngân hàng, dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước vì Vietcombank có phần lớn sở hữu của Nhà nước.

Công ty Đa Phước đã ký kết hợp đồng hợp tác liên doanh với hàng chục đối tác. Các đối tác đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để cùng xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, đường sá. Nếu bị thu hồi, toàn bộ số tiền đã đầu tư của các đối tác sẽ bị mất, kéo theo sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp.

Theo ông Lợi, tài sản của Công ty Đa Phước và nhiều nhà đầu tư khác không được đề cập trong bản án. Do vậy, việc giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi đối với dự án này là không khả thi do phải đảm bảo được quyền lợi cho người dân và nhà đầu tư tại dự án.

Còn luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - nhìn nhận các bản án 158, 20 tuyên giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi các bất động sản, nhà đất có những điểm chưa thực sự phù hợp với quy định chung của pháp luật về thi hành án hiện nay.

Đối với các bên thứ ba mua nhà đất ngay tình, không liên quan đến các hành vi của ông Vũ, thì việc họ mua nhà đất bằng tài sản của họ không bị bất kỳ bản án nào xác định tài sản đó phi pháp thì nguyên tắc chung các tài sản đó phải được bảo vệ.

Bản án trao cho họ quyền khởi kiện vụ án dân sự để phân chia, chia tách các tài sản của họ ra khỏi các tài sản bị thu hồi, kê biên. Do đó họ có quyền khởi kiện để phân tách tài sản của các bên thứ ba này.

Cũng theo luật sư Cao, quyền khởi kiện của các chủ thể liên quan trong giai đoạn thi hành án dân sự cũng được pháp luật thi hành án dân sự quy định. Tại các bản án 158, 20 không có nội dung nào xác định tài sản chung, tài sản riêng của các bên liên quan nên không thể nói là các tài sản đó đã được giải quyết.

"Các cá nhân, tổ chức, bên thứ ba liên quan và ngay tình có thể theo đuổi các vụ kiện liên quan để yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản của họ. Nếu có dấu hiệu của việc không tiếp nhận các hồ sơ khởi kiện không đúng pháp luật thì họ có quyền khiếu nại" - luật sư Cao nói.

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2020, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng lưu ý Cục Thi hành án trong quá trình triển khai thực hiện bản án khi thấy vướng mắc phải kịp thời báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền.

Với dự án Đa Phước, người dân đã vào ở thì quyền lợi của họ cần được đảm bảo bởi họ bỏ tiền ra mua đàng hoàng. Họ là bên thứ ba ngay tình nên cần được bảo vệ.

Vì sao thu hồi quyết định thi hành án?

Ngày 7-10-2020, Cục THADS Đà Nẵng có quyết định số 11 thi hành án chủ động. Theo đó, giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi 11 nhà đất, 2 thửa đất khu đô thị Habour Ville, thu hồi khu đất 29ha dự án khu đô thị mới quốc tế Đa Phước và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định đảm bảo quyền lợi công dân.

Ngoài ra, giao UBND TP Đà Nẵng cùng các bên thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để đảm bảo quyền lợi cho công dân tại dự án An Cư 2, 3 mở rộng và dự án Phú Gia Compound; thu hồi dự án khu du lịch biển Non Nước...

Tuy nhiên, ngày 24-3 Cục THADS Đà Nẵng có quyết định số 02 thu hồi toàn bộ quyết định thi hành án chủ động số 11. Lý do vì Cục THADS Hà Nội thu hồi lại quyết định ủy thác.

Tác giả: ĐOÀN CƯỜNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP