Du lịch

Thơm mùi mắm nhớ miền Tây

Người miền Tây dù có đi đâu chỉ cần thơm hương mắm sẽ thấy cả quê hương để nâng bước họ trở về ăn bữa cơm cùng gia đình.

Từ xa xưa người miền Tây đã quen sống với nghề chài tôm chài cá. Cũng vì thế con cá, con tôm gắn liền liền với cuộc sống hằng ngày của người dân sông nước và món mắm ra đời đã trở thành "tinh hoa" ẩm thực của họ.

Ngoài các loại khô, làm mắm là cách để bà con nông dân xưa bảo quản tôm, cá được lâu hơn và để dành ăn trong những ngày mưa gió hay khô hạn.

Đặc biệt, với người dân miệt Châu Đốc (An Giang), địa phương được mệnh danh "vương quốc mắm" miền Tây, hương vị mắm càng trở nên đặc trưng khiến ai cũng phải mê mẩn.

Bún mắm, lẩu mắm đều là những món ăn vô cùng thân thuộc của người miền Tây. (Ảnh: Internet)

Chẳng phải tự nhiên khi những người con xa quê trở về lại thèm bữa lẩu mắm, dĩa mắm chưng, tô mắm kho,... Đó là cả tuổi thơ, bầu trời ký ức của thời còn gian khó, thậm chí chẳng cần cầu kỳ với một tô cơm nguội thêm vài con mắm sặc trộn sẵn cũng đủ ấm bụng, ấm lòng. Cái hay của người dân quê là từ những nguyên liệu giống nhau, chỉ có cách chế biến khác đi một chút đã tạo ra một vị ngon khác hẳn, vì thế đã làm nên “thị trường mắm” vô cùng phong phú.

Sản phẩm mắm miền Tây đa dạng. (Ảnh: Internet)

Cá linh, cá lóc, cá sặc, cá trê, cá chốt, cá phi,… tất cả đều có thể đem làm mắm và được chế biến ra các món ăn ngon.

Mỗi loại mắm sẽ có cách ăn khác nhau để “khai thác” được hết vị mặn mòi đặc trưng.

Nếu như mắm cá linh, cá phi thường được dùng nhiều để nấu lẩu mắm, bún mắm, bún nước lèo,… thì mắm cá sặc lại được trộn chung với một số nguyên liệu như chanh, đường, tỏi, ớt để ăn với cơm trắng và rau sống vườn, đơn giản nhưng cực kỳ hao cơm.

Đặc biệt, nồi lẩu mắm cuối tuần của gia đình miền Tây với sự kết hợp của cả mắm sặc và mắm linh, một hương vị không thể nào khước từ.

Mắm lóc có thể đem chiên hoặc làm mắm chưng thịt ăn với rau sống, cơm trắng rất bắt miệng.

Mắm cá trê hay còn gọi với tên mắm bò hóc có nguồn gốc từ người Khmer, đặc sản tại Trà Vinh, Sóc Trăng (nơi có đồng bào dân tộc Khmer cư ngụ đông đúc) đem nấu bún nước lèo thiệt hết sẩy.

Ngoài ra, trên bàn ăn với các món mắm như mắm chưng, mắm kho, lẩu mắm, mắm trộn,… không thể thiếu rổ rau sống đủ thứ trong vườn nhà, tươi mát.

Bữa ăn đơn giản nhưng hấp dẫn với các loại mắm

Ngoài các loại mắm làm từ cá còn có mắm tôm, mắm ruốc, mắm ba khía vừa ngon mắt vừa bắt miệng.

Mắm tôm miền Tây không giống miền Bắc hay miền Trung.

Mắm tôm miền Tây còn gọi là mắm tôm chua được muối nguyên con còn đỏ au hấp dẫn, kèm theo đó có đu đủ thái sợi rất giòn ngọt. Người miền Tây thường ăn mắm tôm chua cùng bún, thịt luộc cuốn với rau sống tạo ra món ăn đặc biệt có vị mặn ngọt chua cay vừa tới của mắm, độ giòn của đu đủ sợi, vị chan chát lưu đầu lưỡi từ chuối sống,…

Mắm ruốc là món ăn, gia vị quen thuộc của người miền Tây. Chỉ với trái xoài hay cóc non chấm mắm ruốc cũng khiến bất kỳ ai đã ăn đều nhớ mãi.

Với thịt ba chỉ kho mắm ruốc, lẩu bò nhúng mắm ruốc ai ăn rồi chỉ chờ ngày ăn lại.

Mắm ba khía lại là đặc sản vùng miệt thứ Cà Mau, Bạc Liêu.

Loại mắm này đậm đà nên cần trộn thêm tỏi ớt chanh đường để cân bằng vị tạo nên sự hài hòa trong khoang miệng.

Với mớ rau sống, khế chua hay chuối chát ăn cùng thì hao cơm ghê gớm.

Những món ăn bình dị gắn liền tuổi thơ người miền Tây

Mắm vốn dĩ là món ăn dân dã của người dân quê nhưng với người phố mắm cũng hiển nhiên chiếm một vị trí quan trọng và đáng nhớ.

Với nhiều người mắm có thể là món nặng mùi, khó ăn nhưng nếu đã thử hẳn không ít người chợt nhận ra sao mình không biết sớm.

Cũng bởi thế, từ lâu mắm không còn là món ăn dung dị mà đã trở thành tinh hoa ẩm thực miền sông nước, trở thành hương vị đậm đà nồng nàn gây thương nhớ cho thực khách bốn phương và người miền Tây xa quê.

Tác giả: Hội An

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP