Kinh tế

Thời đại “không tiền mặt”, ông Phạm Nhật Vượng đi “nước cờ” mới

Cổ phiếu của Vingroup diễn biến tích cực sau thông tin Công ty cổ phần VINID PAY được Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là dịch vụ ví điện tử. Đây là "nước cờ" mới của doanh nghiệp ông Phạm Nhật Vượng.

Trong phiên giao dịch sáng nay (23/9), cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đã hồi phục trở lại với mức tăng nhẹ 400 đồng tương ứng 0,34% lên 119.800 đồng. Trước đó, mã này có 3 phiên liền giảm giá trong đó có một phiên giảm khá mạnh vào cuối tuần trước.

Cổ phiếu VIC diễn biến tích cực sau thông tin Công ty cổ phần VINID PAY được Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là dịch vụ ví điện tử. Giấy phép này có hiệu lực đến 3/8/2027.

Được biết, thị trường ví điện tử hiện có 27 doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên, trên 90% thị phần xét về số lượng và giá trị giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán. 5 doanh nghiệp này đều có vốn sở hữu nước ngoài từ trên 30% đến 90%.

Với dân số là 96,2 triệu người và trên 65,6% sinh sống ở khu vực nông thôn, hạn chế về khả năng tiếp cận tài chính ngân hàng, trong khi người sử dụng điện thoại di động chiếm 55%, cùng 52% dân số dùng internet, đây được cho là cơ hội cho các doanh nghiệp fintech tiếp cận người dùng trong bối cảnh phát triển của cách mạng 3G/4G.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành chức năng và doanh nghiệp phải thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.

Ông Phạm Nhật Vượng gây ấn tượng mạnh với sự "thần tốc" trong kinh doanh

Về diễn biến trên thị trường chứng khoán, nhìn chung, thị trường khởi động phiên đầu tuần mới khá thuận lợi với diễn biến tăng trên cả hai sàn. VN-Index tăng 3,32 điểm tương ứng 0,34% lên 993,68 điểm và HNX-Index cũng tăng 0,66 điểm tương ứng 0,64% lên 104,8 điểm.

Tuy nhiên, thống kê trên quy mô toàn thị trường cho thấy số lượng mã giảm vẫn chiếm ưu thế so với số mã tăng. Có 297 mã giảm giá, 26 mã giảm sàn so với 228 mã tăng và 21 mã tăng trần.

Theo đó, động lực tăng điểm của chỉ số chủ yếu đến từ sự hỗ trợ của một số mã vốn hoá lớn như VNM, VCB, GAS, BID… Riêng VNM đã mang về cho VN-Index tới gần 1,5 điểm. Ngược lại, HPG, LGC, EIB, ROS là những mã có ảnh hưởng kém tích cực đến chỉ số chính.

Tương tự, trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng được hai “ông lớn” là ACB, SHB ủng hộ trong khi phía giảm giá không có mã nào có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số của sàn này.

Thanh khoản vẫn chỉ ở mức trung bình. Khối lượng giao dịch tại HSX đạt 97,94 triệu cổ phiếu tương ứng 2.298,89 tỷ đồng và trên HNX có hơn 11 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 143,94 tỷ đồng.

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index đã ghi nhận tuần hồi phục thứ 2 liên tiếp sau khi kiểm định thành công mốc 980 điểm, cho thấy đây là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy trong ngắn hạn.

Lực cầu bắt đáy luôn sẵn sàng xuất hiện và nâng đỡ VN Index mỗi khi chỉ số chung giảm sâu, trong đó tâm điểm là nhóm ngành ngân hàng và bất động sản.

Mặc dù vậy, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vốn đã ghi nhận mức tăng vượt trội so với chỉ số chung trong thời gian vừa qua cũng đã bắt đầu cho tín hiệu điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng “nóng” gần đây.

Do vậy, VCBS cho rằng nhà đầu tư có thể chủ động chốt lời một phần các cổ phiếu vốn hóa lớn đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng và chuyển sang nắm giữ tiền mặt hoặc có thể tìm kiếm cơ hội mới ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung, trong đó ưu tiên các cổ phiếu được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng tích cực và nền tảng tài chính lành mạnh.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP