Giáo dục

Thi vào lớp 10 quá căng vì phân biệt công - tư

Mỗi địa phương phải huy động hàng ngàn giám thị, trước đó là quá trình tập huấn, hướng dẫn, khâu ra đề và bảo mật đề thi... thậm chí còn căng thẳng hơn thi ĐH

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong 2 ngày 2, 3-6 vừa kết thúc tại nhiều địa phương. Điều đọng lại sau kỳ thi ngoài tâm lý thấp thỏm chờ đợi kết quả điểm là hình ảnh phụ huynh và thí sinh (TS) ôm nhau khóc sau buổi thi ở Hà Nội, hay hình ảnh dãi nắng dầm mưa của phụ huynh TP HCM đưa đón con. Một áp lực kinh khủng đè nặng lên học sinh (HS) và cả phụ huynh!

Hàng chục ngàn thí sinh bị loại mỗi năm

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019, riêng tại TP HCM đã huy động 10.251 giám thị coi thi, còn Hà Nội lên tới gần 11.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ. Cũng tại TP HCM, căn cứ vào tổng chỉ tiêu của các trường công lập, kỳ thi năm nay sẽ loại hơn 13.000 TS trong tổng số 80.326 TS đăng ký dự thi. Tại Hà Nội, trong tổng số hơn 85.000 TS dự tuyển vào lớp 10, chỉ có khoảng 64.000 chỉ tiêu vào các trường công lập. Vậy, sẽ có khoảng 21.000 TS buộc phải chọn các hình thức học tập khác ngoài công lập.

Năm nay, tại Hà Nội, ngoài 3 môn thi chính là văn, toán, ngoại ngữ, TS còn phải thi thêm môn lịch sử. Lý giải điều này, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội cho rằng để tránh tình trạng HS học tủ, học lệch. Nhưng theo nhiều giáo viên, việc bố trí 2 môn thi cùng buổi đã là quá áp lực với lứa tuổi HS THCS, chưa kể thời gian ôn tập căng thẳng trước kỳ thi. Sau buổi thi môn toán, nhiều phụ huynh và HS tại đây ôm nhau khóc vì đề thi khó.

Trong khi đó, tại TP HCM, trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được ví như cuộc chiến cân não chọn nguyện vọng. Các trường THCS phải có nhiệm vụ tư vấn, ôn tập cho HS, phụ huynh dựa trên năng lực học tập của các em. Tiếp đó là quá trình điều chỉnh nguyện vọng dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn mỗi năm ở từng trường. Nhiều TS phải trải qua quá trình ôn luyện gắt gao cả trong và ngoài nhà trường mới hy vọng được vào trường ưng ý.

Học sinh và phụ huynh tại TP HCM lo lắng sau một môn thi vào lớp 10 tại TP HCM

Chưa có phương án thi thay thế

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng vì sao một kỳ thi tuyển sinh từ lớp 9 lên lớp 10 nhưng mỗi năm lại tăng dần độ căng thẳng? Tính áp lực của kỳ thi thể hiện qua mỗi năm, con số TS bị loại ngày càng lớn dần. Nhiều TS còn thấp thỏm về những đổi mới của kỳ thi bao gồm cả đề thi và quy chế tính điểm xét tuyển. Đơn cử như tại Hà Nội, việc đưa thêm môn lịch sử trước kỳ thi không bao lâu khiến phụ huynh ngỡ ngàng.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhìn nhận có thể thấy rõ sự căng thẳng, áp lực của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong khi xu hướng của giáo dục hiện nay là giảm áp lực cho HS, giáo viên. Trước đây, TP HCM từng có giai đoạn tính đến phương án chỉ xét tuyển HS lớp 9 lên lớp 10 dựa trên căn cứ trường, lớp ở quận, huyện đó đáp ứng đủ 80% số HS có chỗ học lớp 10. Thực tế, TP đã tổ chức xét với HS lớp 9 ở các quận, huyện như Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9. Tuy nhiên sau đó, hình thức này buộc phải bỏ, trở lại thi tuyển hoàn toàn vì chất lượng HS ở khu vực xét tuyển rất kém, các em không nỗ lực học tập.

Theo ông Ngai, giảm áp lực là cần thiết nhưng thật sự rất khó vì đến nay, hệ thống các trường công lập không thể nhận hết HS tốt nghiệp lớp 9. Đó là chưa kể các địa phương, trong đó có TP HCM, phải làm tốt theo Nghị quyết 05 của Chính phủ về phân luồng HS sau THCS, tức là mỗi năm chỉ khoảng 60% HS vào các trường THPT công lập. Vào thời điểm khi nghị quyết ban hành, Hà Nội đã giảm tỉ lệ vào lớp 10 công lập xuống 60% nhưng lúc đó HS còn ít. Sau này, số HS mỗi năm một tăng, áp lực dân số, nhất là ở các trường nội đô cũng là lý do khiến kỳ thi ở địa phương này căng thẳng gay gắt. Trong khi đó, tại TP HCM, mỗi năm giảm 3% chỉ tiêu công lập để phân luồng cũng là con số hợp lý, là sự cố gắng của ngành GD-ĐT.

Thầy Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh (quận 6), cho rằng sở dĩ kỳ thi có nhiều áp lực là vì tâm lý lâu nay của nhiều phụ huynh vẫn muốn con vào trường công lập. Hơn nữa mỗi năm, TP lại giảm dần chỉ tiêu để phân luồng vào các hệ thống trường, lớp khác nên tỉ lệ cạnh tranh càng gay gắt hơn. Chừng nào HS học trường tư không bị nhìn nhận là kém cỏi, phụ huynh xem trường tư cũng như trường công và nhà nước tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển thì áp lực kỳ thi mới giảm...

Không thi thì không chịu học

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 3, TP HCM cho rằng dù là áp lực nhưng cho đến nay chưa thể tìm ra phương án nào tối ưu để thay thế kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Minh chứng là nếu không thi thì dựa vào đâu để nhận 60% HS vào các trường công lập? Vị này cũng cho rằng nếu chỉ dựa vào kết quả lớp 9 và nhận xét của nhà trường thì rõ ràng không công bằng vì các trường sẽ nhận xét không "đều tay". Còn dựa vào thông tư đánh giá HS theo quy định của bộ thì chỉ là mặt bằng chung, không khách quan. "Thi thì áp lực nhưng không thi thì HS không học" - vị này nhận định.

Tác giả: ĐẶNG TRINH

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP