Giáo dục

Lịch sử là môn thi vào lớp 10: Học sinh kẻ cười, người khóc

Trong khi nhiều học sinh tỏ ra lo lắng về việc phải thi môn Lịch sử ở kỳ thi vào lớp 10 năm học 2019-2020 thì cũng có không ít em bày tỏ sự vui vẻ với môn học này.

Ngày 11/03, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản công bố môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020. Theo đó, ngoài 3 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, môn thi thứ 4 trong kỳ thi lần này là môn Lịch sử.

Trước đó, Sở GDĐT đã ra thông báo cho biết Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 của Hà Nội sẽ thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi của các môn học khác. Bên cạnh đó, đại diện của Sở cũng khẳng định, việc thay đổi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là thực sự cần thiết, nhằm phục vụ lộ trình thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới với các môn tích hợp, tiến tới triển khai đề thi, bài thi tổ hợp, bài thi tích hợp. Việc thay đổi cũng là để tránh việc học sinh học tủ, học lệch, học thêm và dạy thêm tràn lan.

Lịch sử sẽ là 1 trong 4 môn thi bắt buộc

Việc đưa môn thi Lịch Sử vào 4 môn thi bắt buộc trong kỳ thi là được xem là một điều khá bất ngờ đối bởi không quá nhiều học sinh tập trung học ôn vào môn học này. Chia sẻ với phóng viên, học sinh Nguyễn Anh T (Lớp 9 trường THCS Thanh Trì) bày tỏ lo lắng: "Em học chuyên toán nên việc đưa môn Lịch sử vào thi tốt nghiệp Trung học cơ sở thật sự khó khăn bởi việc học thuộc một lúc quá nhiều kiến thức Lịch sử thật sự với những học sinh học thiên về tự nhiên như em rất khó".

Dù vậy, theo em T, trong thời gian tới, em sẽ cố gắng sắp xếp kế hoạch trau dồi thêm về môn Lịch sử bằng phương pháp học các mốc thời gian và các sự kiện quan trọng chính và sẽ đầu tư học thêm môn toán để kéo lại điểm nếu điểm sử thấp.

Đồng quan điểm với T, Nguyễn Hoài A, học sinh lớp 9 của một trường THCS trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết, không có quá nhiều học sinh hứng thú với môn Lịch sử vì chỉ xem đây là môn học phụ và tập trung nhiều hơn vào các môn chính như Toán, Văn hay Ngoại ngữ… Do vậy, việc đưa môn Lịch sử vào một trong 4 môn thi bắt buộc gây bất ngờ và buộc các em học sinh cuối cấp phải chú trọng hơn, dành nhiều thời gian hơn vào môn này.

"Trước giờ em chỉ học Lịch sử vừa đủ để đảm bảo các tiết học trên lớp chứ không lưu tâm quá nhiều. Nhưng sắp tới phải thi Lịch sử nên chắc em sẽ giành thời gian để ôn tập nhiều hớn"- Nguyễn Hoài A chia sẻ.

Tuy nhiên, dù có nhiều học sinh bày tỏ sự lo lắng khi phải "đương đầu" với môn Sử nhưng cũng có những ý khiến trái chiều. Em Đoàn Gia B (lớp 9 trường THCS Thanh Trì) lại cho rằng: "Đối với việc đưa môn sử vào thi bản thân em không quá lo lắng, em sợ thi môn Sinh học và Địa lý hơn vì đầu năm em không học gì. Môn Sử với em không khó lắm, hơn nữa thi trắc nghiệm nên cũng dễ hơn. Để thi tốt thì em sẽ học thuộc sử Việt Nam trước rồi đến sử thế giới, quan trọng là học thuộc các mốc thời gian".

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, bài thi môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút. Bài thi hoặc phần thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan có nhiều mã đề thi trong một phòng thi nhằm đảm bảo nguyên tắc hai thí sinh liền kề không trùng mã đề thi; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

"Học sinh cần bình tĩnh, lên kế hoạch học tập và ôn luyện trong thời gian còn lại cho môn Lịch sử nói riêng và cả 4 môn thi tuyển vào lớp 10 hợp lý nhất. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc có thể trao tạo nhóm bạn cùng học để thảo luận hoặc hỏi trực tiếp giáo viên đang giảng dạy. Đặc biệt, không nên đi học thêm tràn lan dễ dẫn đến tình trạng quá tải, mệt mỏi làm ảnh hưởng đến kết quả học tập chung", Thạc sĩ Lịch sử Nguyễn Thị Quỳnh Mai – Trưởng phòng Đào tạo Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ trên Báo Giáo dục- Thời đại

Tác giả: Bạch Dương

Nguồn tin: Báo Tổ quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP