Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm 2018, số TS tăng gần 60.000 so với năm 2017, trong đó có hơn 872.000 TS vừa học xong lớp 12, còn lại là hơn 53.000 TS tự do. Số TS đăng ký dự tuyển chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT là 237.354 em. Số TS đăng ký dự tuyển để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 642.587 em. Số TS đăng ký dự tuyển chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 46.023 em.
Theo định hướng về kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi năm 2018 có khoảng 20% nội dung kiến thức lớp 11. Điểm mới này đã được Bộ GD-ĐT thông báo từ năm 2016 nhằm bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng có chất lượng hơn, toàn diện hơn.
Kỳ thi nâng cao chất lượng còn thể hiện qua cấu trúc đề thi, hình thức thi khi chỉ có môn ngữ văn thi với hình thức tự luận, các môn, tổ hợp còn lại đều thi trắc nghiệm. Sự thành công của hình thức thi trắc nghiệm được xã hội công nhận, góp phần vào việc nâng cao chất lượng kỳ thi. Cấu trúc các bài thi với các tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đã buộc TS phải học toàn diện, theo hướng học gì thi nấy mà nhiều nền giáo dục tiên tiến vẫn áp dụng bấy lâu nay.
Kỳ thi THPT quốc gia còn thể hiện sự nghiêm túc và đổi mới theo hướng những vất vả, tốn kém dành cho người lớn, những thuận lợi để cho TS. Những năm trước, TS phải đi xa để thi, còn giờ đây chỉ phải di chuyển trong địa phương mình.
Lẽ ra một kỳ thi tốt nghiệp THPT nên để cho sở GD-ĐT địa phương lo toàn diện nhưng Bộ GD-ĐT muốn bảo đảm kỳ thi nghiêm túc nên buộc các địa phương phải kết hợp với các trường ĐH, CĐ tổ chức thi. Hình thức này cũng cho thấy Bộ GD-ĐT chưa tin các sở GD-ĐT địa phương và bộ vẫn có lý, dù tốn kém cho ngân sách địa phương.
Một kỳ thi tốt nghiệp THPT được đánh giá là có chất lượng phải là một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc và chất lượng đề thi phải bảo đảm.
Chất lượng đề thi được xem là yếu tố quan trọng nhất. Còn nhớ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2107, những cơn mưa điểm 10 tràn ngập với hơn 4.200 bài đạt điểm 10, gây lo ngại trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ. Vấn đề ở đây là do đề thi quá dễ, gây khó khăn trong việc phân loại TS.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi THPT quốc gia năm nay bảo đảm được tính phân hóa. Trong đó, 60% là kiến thức cơ bản để phục vụ việc công nhận tốt nghiệp THPT, 40% kiến thức nâng cao dùng để phân loại học sinh vào ĐH, CĐ. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định: "Tôi tin rằng với đề thi năm nay, việc đạt được điểm 9-10 sẽ khó khăn hơn".
Trong định hướng đó, dễ dàng nhận thấy thi tốt nghiệp THPT ngày càng khó hơn, kiến thức toàn diện hơn, chất lượng hơn, cũng đồng nghĩa với tấm bằng tốt nghiệp THPT có giá trị thực hơn. Đó cũng là mong muốn của xã hội, là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia.
Tác giả: Lưu Nhi Dũ
Nguồn tin: Báo Người lao động