Giáo dục

Thí sinh đăng ký tới... 72 nguyện vọng xét tuyển đại học

Ngày 11-5 là hạn cuối để thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2021. Đến thời điểm này, thí sinh trên cả nước đang gấp rút thực hiện hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH. Để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường yêu thích của mình, một thí sinh đang học tại Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đăng ký tới 72 nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh này dành khoảng trên 40 nguyện vọng để đăng ký vào trường ĐH em thích nhất là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, khoảng 30 nguyện vọng khác là để đăng ký vào ngành học thí sinh này lựa chọn ở những trường ĐH khác. Khi được hỏi, nhiều thí sinh lớp 12 tại Hà Nội cũng cho hay lựa chọn khá nhiều nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển.

Chia sẻ về cơ hội trúng tuyển và số nguyện vọng của thí sinh, GS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng khó nói chính xác bao nhiêu nguyện vọng là vừa. Tuy nhiên, theo GS Hoa, thí sinh có thể chia nguyện vọng đăng ký xét tuyển làm 3 nhóm. Nhóm một là nguyện vọng mà bản thân các em yêu thích nhất. Các nguyện vọng xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ yêu thích giảm dần. Nhóm hai là các nguyện vọng mà bản thân các em cũng yêu thích (nhưng không bằng nhóm một) và có cơ hội trúng tuyển cao. Nếu không trúng tuyển được ở nhóm một thì thí sinh cần xác định sao cho cơ hội trúng tuyển ở nhóm này là tốt nhất. Nhóm ba là các nguyện vọng dự phòng, cơ hội trúng tuyển có thể 100% để trong trường hợp xấu nhất, không trúng tuyển bất kỳ nguyện vọng nào thuộc nhóm một, hai thì các em cũng trúng tuyển nguyện vọng thuộc nhóm ba để học. "Giá trị các nguyện vọng là như nhau, vì thế thí sinh cần đưa nguyện vọng yêu thích nhất lên đầu" - GS Trần Thị Vân Hoa nhấn mạnh.

Bộ GD-ĐT quy định mỗi học sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Trong đợt xét tuyển đầu tiên, đối với từng trường, ngành, học sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Còn đối với mỗi học sinh, nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều trường, ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng.

Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH đóng tại Hà Nội cho hay phần mềm xét tuyển chạy theo thuật toán "lọt sàng xuống nia". Thực tế những năm trước, nhiều thí sinh đăng ký ngành, trường dễ trúng tuyển nhất chứ không phải là ngành yêu thích nhất lên trên. Vì thế, khi xét tuyển, thí sinh trúng tuyển vào những ngành học không phải yêu thích nhất và không được tiếp tục xét tuyển các nguyện vọng sau dù với mức điểm của các em vẫn có cơ hội. Điều này sau đó gây nên nhiều tiếc nuối cho thí sinh. Vì thế, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các em nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng những ngành yêu thích nhất lên trên, không nên xếp trường dễ trúng tuyển nhất lên trên.

Chủ động xây dựng phương án thi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản hướng dẫn tổ chức ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT, cục nhà trường, trường học chủ động xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hoặc thiên tai xảy ra ở địa phương. Chủ động sẵn sàng phương án chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, dạy học qua internet nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Tác giả: Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP