Trong đề kiểm tra học kỳ 2 của khối 11, thầy Nguyễn Viết Đăng Du đã chọn một đoạn trích dẫn trích từ bài viết đăng tải trên báo Dân trí về chuyến thăm Tổng thống Mỹ Obama khi còn đương nhiệm đến thăm thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào tháng 5/2016.
|
Cụ thể đoạn trích: "Chiều nay 27/5, Tổng thống Mỹ Obama đã bắt đầu chuyến thăm thành phố Hiroshima và trở thành vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thành phố này kể từ sau Thế chiến thứ 2. Đồng hành với ông trong chuyến thăm còn có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Hai nhà lãnh đạo đã cùng đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài tưởng niệm.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Obama nói: "Chúng tôi đứng ở đây, giữa thành phố này và bắt mình phải tưởng tượng khoảnh khắc quả bom thả xuống thành phố. Không có từ ngữ nào diễn tả được nỗi đau đó... Sự tưởng nhớ khiến chúng tôi phải hình dung lại và cho phép chúng tôi thay đổi".
Từ trích dẫn này, hai yêu cầu được đặt ra đối với học sinh:
Vì sao Tổng thống Mỹ Obama lại ghé thăm Đài tượng niệm Hiroshima?
Nêu cảm nghĩ của em về chuyến thăm di tích này của ông Obama.
Trong một câu của đề kiểm tra của khối 10 của trường THPT Lê Quý Đôn, cũng có một câu yêu cầu học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức lịch sử mà từ đó, thể hiện được quan điểm, cách nhìn vấn đề đến hiện tại và cả tương lai.
Đề thi học kỳ liên hệ lịch sử với hiện tại, tương lai của thầy Nguyễn Viết Đăng Du giúp học trò thấy được ý nghĩa của môn Sử. |
Câu hỏi: "Trình bày chính sách đối ngoại của các nhà nước phong kiến Đại Việt từ thế kỷ X - XV. Từ chính sách đối ngoại đó hãy cho biết bài học mà thế hệ trẻ chúng ta rút ra được cho thái độ với Trung Quốc trong hiện tại và tương lai là gì?".
Đề thi liên kết được kiến thức lịch sử đến với hiện tại và cả tương lai.
Cách đây không lâu, thầy Du cũng gây ấn tượng khi ra đề thi 15 phút đưa sự kiện tổng thống Mỹ D. Trump cùng phu nhân Melania công du đến Châu Á vào cuối năm 2017. Đề yêu cầu học sinh nắm bắt thời sự, liên hệ được giữa lịch sử và hiện tại.
Thầy Đăng Du chia sẻ, Sử không bao giờ là những sự kiện khô khan. Thi Sử không bao giờ là kiểm tra bạn thuộc lòng những gì mà đánh giá bạn biết dùng kiến thức liên hệ đến cuộc sống.
Tuy nhiên, theo thầy Du, để đề Sử không khô khan thì phải đổi mới tư duy về mục tiêu dạy và học Sử. Người dạy và người học phải nhìn thấy học Sử sẽ mang lại những kiến thức giúp mình giải quyết nhiều việc cụ thể trong cuộc sống.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du cùng học sinh trong chuyến đi thực tế. |
Đôi khi, từ việc đơn giản nhất là hiểu biết về địa danh, về danh nhân lịch sử trên con đường mình đi, rồi đến cái lớn lao hơn là từ những sự kiện lịch sử của quá khứ để có thái độ và cách ứng xử ở hiện tại để có cách ứng xử phù hợp nhất.
"Đề thi cũng là cách kiểm tra các em đã vận dụng các kiến thức vào thực tiễn như thế nào nên cần mang hơi thở cuộc sống. Rồi nữa, đề cũng nên có sự kết hợp với các bộ môn khác như Văn học để tăng độ "mượt mà", hình thức thể hiện nên phong phú như thông qua hình ảnh, bản tin, phát biểu cảm nghĩ... giúp tăng khả năng cảm nhận và viết của học sinh. Phần đáp án phải dung hòa giữa kiểm tra kiến thức và các phần mở", thầy Du bộc bạch.
Thầy giáo với những đam mê đi để học hỏi, trải nghiệm. |
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du là một giáo viên dạy Sử nổi tiếng ở TPHCM, còn được nhiều học sinh gọi là "người đánh thức" môn Sử. Thầy có nhiều sáng tạo trong phương pháp dạy học như dạy học theo dự án, dạy học liên môn và mạnh dạn áp dụng, vận dụng nhiều phương pháp dạy học tiến bộ... giúp học sinh từ bớt chán ghét, dần chuyển sang yêu thích môn học này.
Ngoài ra, thầy cũng nổi tiếng là "chân đi" các chuyến "phượt" trong nước và nhiều nước trên thế giới quan điểm sống là để đi, để trải nghiệm.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí