Thầy giáo Nguyễn Văn Quý - phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc ban trú THCS Mường Lý - dưa em Mua Thị Dúa trở lại lớp học - Ảnh: HÀ ĐỒNG |
Các thầy giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) vẫn thường vượt gần 20km đường rừng núi đến với bản Suối Ún (xã Mường Lý).
Đi từng bản, đến từng nhà
Dọc đường đi, gặp nhiều học sinh đang lên nương rẫy cùng bố mẹ, có học sinh đi chơi quanh bản, thầy giáo Nguyễn Văn Quý - phó hiệu trưởng Trường Mường Lý và thầy Hoàng Trọng An liền gặp phụ huynh, học sinh để vận động các em ra lớp.
Sùng Thị La (15 tuổi, ở bản Suối Ún) năm ngoái học xong lớp 6 thì ở nhà đi làm nương cùng bố mẹ, bẽn lẽn khi gặp lại hai thầy giáo cũ. La cho biết: "Em cũng muốn đến trường học cái chữ lắm, nhưng bố mẹ em bắt nghỉ học ở nhà đi làm nương lấy gạo ăn vì gia đình còn khó khăn. Bố mẹ còn nói con gái dân tộc Mông 16, 17 tuổi phải lấy chồng thôi kẻo ế".
Thầy Quý cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ ra Tết Nguyên đán, vào dịp mùa xuân số học sinh nữ dân tộc Mông của trường lại vắng đi nhiều em, vì bố mẹ bắt ở nhà làm nương hoặc đi lấy chồng. Hủ tục tảo hôn, lạc hậu vẫn bám riết đời sống của đồng bào dân tộc Mông nơi vùng cao Mường Lát".
Theo ông Mai Xuân Giang - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mường Lát, những tuần qua hầu hết cán bộ của Phòng GD-ĐT huyện Mường Lát đã về các trường ở xã Tam Chung, Nhi Sơn, Pù Nhi, Trung Lý, Mường Lý, nơi có học sinh người dân tộc Mông để cùng các thầy cô giáo nơi đây xuống tận bản, đến từng nhà vận động đưa học sinh ra lớp.
"Con cố gắng học tốt"
Mua Thị Dúa (dân tộc Mông, học sinh lớp 7B Trường Mường Lý) vừa đi mua đồ cho mẹ về. Giải thích lý do con không đến lớp nữa, bà Thào Thị Sú, mẹ của Dúa, cho biết: "Gia đình tao còn khó khăn lắm. Ba chị gái của Dúa đi lấy chồng rồi, em trai của Dúa mới học lớp 4, nên Dúa phải ở nhà đi làm nương với tao kiếm gạo ăn thôi. Mười sáu, mười bảy tuổi, con gái người Mông còn phải lấy chồng nữa, học nhiều có mà ế chồng à!".
Thầy An tiếp tục vận động bà Sú. Cầm cánh tay bé nhỏ, yếu ớt của Dúa, thầy An nói: "Cánh tay của em Dúa còn yếu lắm, chưa cầm được con dao phát rẫy, cái cuốc bổ đất đồi đâu. Mẹ Dúa phải thương con gái, cho con tiếp tục đến trường học chữ đi, để sau này Dúa có nghề nghiệp ổn định như làm cô giáo, y sĩ, bác sĩ, công nhân như người Kinh, người Thái vậy. Đi học bây giờ Dúa còn được Nhà nước cấp gạo, cấp tiền ăn, tiền chi phí học tập hằng tháng nữa".
Sau khi nghe thầy giáo chia sẻ, bà Sú lặng lẽ vào nhà lấy quần áo, đồ dùng cá nhân của Dúa bỏ vào chiếc túi, đưa cho con gái rồi nói: "Mẹ cho Dúa đến trường cùng thầy giáo đấy. Con cố gắng học tốt để sau này đem cái chữ về với các bản người Mông nhé Dúa". Đôi mắt Dúa sáng lên khi nghe mẹ đồng ý cho tiếp tục đến trường. Dúa bước lên xe máy của thầy giáo Quý trở lại lớp, khuôn mặt tràn đầy niềm vui.
Nhiều hỗ trợ học sinh Thầy giáo Nguyễn Văn Hà, phó hiệu trưởng phụ trách Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Lý, nói hiện nay các học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo đến trường được hưởng nhiều chế độ của Nhà nước. Theo đó, tiền ăn trên 500.000 đồng/học sinh/tháng, 15kg gạo/học sinh/tháng, 100.000 đồng hỗ trợ chi phí học tập/tháng. Nhiều năm nay trường tổ chức nấu ăn mỗi ngày hai bữa chính cho gần 300 học sinh ở khu bán trú của trường, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng (thịt, cá, trứng, rau, thay đổi tùy bữa), đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. "Đối với các em học sinh ra lớp muộn sau Tết Nguyên đán, nhà trường sẽ tổ chức dạy bù kiến thức cho các em vào các ngày nghỉ cuối tuần vì số học sinh này đều ở bán trú tại trường" - thầy Hà nói. |
Tác giả: HÀ ĐỒNG
Nguồn tin: tuoitre.vn