Giáo dục

Thanh tra thi năm nay sẽ đi không báo trước

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định, với quy chế thi năm nay, nếu các giám thị làm việc nghiêm túc sẽ phát hiện được ngay nếu như thí sinh có hành vi gian lận, kể cả gian lận bằng công nghệ cao.

Trường ĐH sẽ tham gia các đoàn thanh tra địa phương

Trao đổi với báo chí chiều ngày 19/6, 2 ngày trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2017, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, xác định thanh tra là hoạt động quan trọng, từ tháng 4 năm nay, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn thanh tra 63 tỉnh thành phố tiến hành công tác thanh tra đối với kỳ thi.

Riêng Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng thành lập 10 đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra theo quy định.

Việc thanh tra kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ được tiến hành dựa trên nguyên tắc thanh tra đột xuất, không báo trước.

Cụ thể, 10 đoàn thanh tra sẽ chia theo khu vực. Các tỉnh chỉ biết sẽ có đoàn thanh tra về tỉnh mình chứ không biết sẽ vào điểm thi nào.

Thanh tra thuộc các sở địa phương sẽ độc lập với các hội đồng thi.

"Một tỉnh có 40 điểm thi thì đoàn thanh tra của sở có thể đến bất kỳ điểm thi nào trong 40 điểm thi mà không báo trước" - ông Bằng phân tích.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT. Ảnh: Lê Văn.

Theo ông Bằng, điểm mới trong công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia 2017 năm nay là các đoàn thanh tra của địa phương sẽ có ít nhất một cán bộ của các trường đại học tham gia.

"Luật không quy định các địa phương phải thành lập bao nhiêu đoàn thanh tra. Tuy nhiên, nếu địa phương thành lập 5 đoàn thì mỗi đoàn ít nhất phải có một cán bộ của trường ĐH. Nếu thành lập chỉ 1 đoàn trong đó có nhiều nhóm nhỏ thì mỗi nhóm cũng phải có ít nhất 1 cán bộ trường ĐH".

Ông Bằng cũng cho biết, công tác thanh tra năm nay cũng được triển khai có trọng tâm, trọng điểm.

"Chúng tôi sẽ ưu tiên chọn những điểm, những khâu mà người ta có thể hiểu quy chế khác nhau hoặc những nơi xa xôi, điều kiện khó khăn. Ngoài ra, những nơi có thể có dấu hiệu đặc biệt mà năm ngoái đã tổng kết cũng là nơi được xem xét".

Tuy nhiên, mục tiêu của thanh tra không phải là xử lý một vài trường hợp cụ thể mà làm sao để tác động vào cả hệ thống, giúp lực lượng làm thi làm đúng trách nhiệm của mình theo quy chế đã quy định.

Giám thị làm nghiêm túc sẽ phát hiện sai phạm

Trả lời câu hỏi về biện pháp phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận bằng công nghệ cao, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, quy chế thi THPT quốc gia năm nay đã có những quy định chặt chẽ để hạn chế hiện tượng này.

Theo đó, năm nay mỗi phòng thi chỉ có 24 thí sinh với 2 giám thị. Quy chế quy định rõ, khi gọi thí sinh vào phòng thi, một giám thị sẽ đọc tên, giám thị còn lại sẽ đối chiếu ảnh và kiểm tra các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi.

"Quá trình này nếu phát hiện ra điều gì nghi ngờ thì phải loại ra ngay" - ông Bằng cho hay.

Theo ông Nguyễn Huy Bằng, giám thị coi thi làm nghiêm túc sẽ phát hiện được ngay nếu có sai phạm. Ảnh minh họa.

Sau đó, trong quá trình coi thi, quy chế quy định một giám thị từ dưới quan sát lên còn một giám thị từ trên quan sát xuống. Với 2 giám thị quan sát chỉ 24 thí sinh trong 1 phòng thi thì bất kỳ hành vi bất thường nào cũng có thể phát hiện được ngay.

Vì vậy, vấn đề quan trọng là các giám thị phải làm rất nghiêm túc. "Nếu giám thị làm nghiêm túc, trách nhiệm, tập trung thì sẽ phát hiện được ngay khi có sai phạm. Và nếu giám thị tập trung như vậy thì thí sinh nào có ý định gian lận cũng không dám" - ông Bằng phân tích.

Bên cạnh đó, ông Bằng cho biết, bên cạnh lực lượng A83, năm nay, trong thành phần Ban chỉ đạo thi quốc gia kỳ thi THPT quốc gia 2017 có sự tham gia Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an.

Lực lượng này đã triển khai đến công an các tỉnh phối hợp với ngành giáo dục để xử lý những tình huống phát sinh liên quan tới công nghệ cao trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Trước những lo lắng về sự chủ quan của giám thị, ông Bằng cũng cho hay, để đảm bảo các giám thị làm đúng quy chế thì bên cạnh sự tự giác của họ còn có lực lượng giám sát tại điểm thi.

Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, tối đa 7 phòng thi phải có một giám sát. Cán bộ giám sát này do trưởng điểm thi chỉ đạo và có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu như giám thị làm không đúng quy chế.

Đường dây nóng của thanh tra Bộ và 63 tỉnh thành hoạt động từ sáng 20/6

Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, đường dây nóng của Tranh tra Bộ GD-ĐT bắt đầu hoạt động từ sáng 20/6 cho tới ngày 6/7 sẽ tiếp nhận mọi phản ánh của người dân liên quan tới công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia 2017:

Điện thoại: 04.36231285/ 0923.006757

Fax: 04.38693145.

Cũng trong ngày hôm qua, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng có văn bản gửi tới các chánh thanh tra các sở giáo dục đào tạo địa phương yêu cầu tổ chức thanh tra thi THPT quốc gia 2017 theo hướng dẫn.

Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu thanh tra các sở triển khai và duy trì đường dây nóng 24/24 trong suốt quá trình thi THPT quốc gia.

Tác giả: Lê Văn

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP