Trong nước

Thanh tra giao thông moi tiền tỷ ở Hải Phòng: Người vào tù, kẻ tiếp tục làm… thanh tra

Cùng một hành vi sửa biên bản xử phạt để 'moi tiền' của lái xe vi phạm, một số thanh tra giao thông Hải Phòng vào tù, trong khi nhiều người thoát tội và tiếp tục đi thanh tra vi phạm.

Năm 2014, ông Phạm Hồng Khang cùng 4 người nguyên là các cán bộ Thanh tra giao thông (TTGT) thuộc Sở GTVT Hải Phòng bị toà án nhân dân (TAND) TP Hải Phòng xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra từ năm 2011 - 2012.

Tuy nhiên, theo tài liệu báo VTC News có được, những hành vi moi tiền tày đình tương tự của thanh tra giao thông Hải Phòng còn diễn ra ở các đội thanh tra khác liên quan trực tiếp đến nhiều cá nhân thuộc Thanh tra Giao thông Sở GTVT Hải Phòng.

Ông Phạm Hồng Khang, người chấp hành xong hình phạt tù, cũng khẳng định, một phó giám đốc Sở GTVT, phó Chánh thanh tra giao thông có liên quan đến những sai phạm tày đình này. Đến nay, họ vẫn ‘bình chân như vại’.

Cả gan sửa biên bản moi tiền tỷ đút túi

Vụ án ‘sửa biên lai lấy tiền chia nhau’ diễn biến như sau:

Trong những năm 2011 – 2012, Đội Thanh tra giao thông (TTGT) số 5 thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, được giao nhiệm vụ thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành chính đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm vận chuyển hàng hóa thông thường (xe ô tô tải vận chuyển hàng hóa quá trọng tải) trên địa bàn 4 quận nội thành Hải Phòng, gồm Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền và Hải An.

Đội TTGT số 5 trong một lần ‘tác nghiệp’ tại hiện trường kiểm tra tải trọng xe

Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bùi Mạnh Tuấn (SN 1970, nguyên đội trưởng, thanh tra viên), thống nhất với Vũ Hoàng Tùng (SN 1978, nguyên đội phó, thanh tra viên); Lưu Tuấn Dương (SN 1976, nguyên đội phó, thanh tra viên); Phạm Hồng Khang (SN 1976, nguyên đội phó, thanh tra viên) và Lã Duy Lòng cùng các nhân viên, lái xe thuộc Đội TTGT số 5 (Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng) đã dùng thủ đoạn sửa chữa, lập sai biên bản vi phạm hành chính, với mục đích trục lợi số tiền lên đến gần 1,4 tỷ đồng để chia nhau.

Cụ thể, khi kiểm tra, phát hiện lái xe vận chuyển hàng quá tải vi phạm tỷ lệ % quá tải với mức phạt thuộc thẩm quyền xử lý của Chánh thanh tra, các thanh tra viên - Tổ trưởng tổ công tác chỉ đạo nhân viên, lái xe lập biên bản vi phạm hành chính ban đầu ghi đúng trọng lượng hàng hoặc trọng lượng hàng/trọng tải thiết kế xe ô tô nhưng chưa ghi % quá tải.

Khi lái xe muốn xin miễn tước giấy phép lái xe, họ được yêu cầu phải nộp cho tổ công tác khoản tiền gồm tiền phạt theo thẩm quyền của Chánh thanh tra từ 750.000 đến 2,5 triệu đồng và tiền bồi dưỡng cho tổ công tác.

Sau đó, các thanh tra viên - tổ trưởng chỉ đạo các thành viên (là người viết biên bản vi phạm hành chính) lập sai hoặc sửa biên bản vi phạm hành chính để tỷ lệ trọng lượng hàng/trọng tải thiết kế xe ô tô có số phần trăm quá tải thuộc thầm quyền xử phạt của thanh tra viên và ra quyết định xử phạt hành chính 250.000 đồng/biên bản.

Thành viên tổ công tác sẽ trực tiếp đem tiền đến kho bạc nhà nước nộp phạt cho chủ, lái xe 250.000 đ/quyết định xử phạt. Số tiền còn lại được chia đều cho Bùi Mạnh Tuấn, các thanh tra viên và tổ công tác.

5 Cán bộ TTGT Hải Phòng đã phải hầu tòa về những sai phạm của mình khi thi hành công vụ

Để “lách luật”, các đối tượng đã sử dụng mánh khóe: Thứ nhất, lập, sửa biên bản làm tăng trọng tải xe lớn hơn trọng tải thiết kế (giữ nguyên trọng lượng hàng) để tính phần trăm quá tải.

Thứ hai, khi lập, sửa biên bản làm giảm trọng lượng hàng (giữ nguyên trọng tải xe) để tính phần trăm quá tải và “chiêu” cuối cùng là lập, sửa biên bản, làm giảm trọng lượng hàng, tăng trọng tải xe để tính phần trăm quá tái.

Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, trong 2 năm 2011-2012, Bùi Mạnh Tuấn cùng tổ công tác đã lập sửa 688 biên bản vi phạm hành chính, ban hành 688 quyết định xử phạt trái pháp luật với mức phạt tiền: 250.000 đồng/biên bản, lấy được số tiền gần 1,4 tỷ đồng (chính xác là 1.359.500.000 đồng) chia nhau.

Tháng 11/2014, với những sai phạm nêu trên, TAND TP Hải Phòng đã đưa vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ra xét xử, tuyên phạt các bị cáo với các mức án thích đáng từ 15 tháng tù treo đến 6 năm, 6 tháng tù giam.

Đồng thời, các bị cáo còn bị tịch thu sung công quỹ số tiền gần 1,4 tỷ đồng đã chiếm dụng bất hợp pháp do hành vi vi phạm pháp luật gây ra nêu trên.

Khắp nơi thanh tra giao thông ‘sửa biên bản xử phạt’ lấy tiền đút túi

Theo tài liệu chúng tôi có được, việc sửa biên bản xử phạt moi tiền đút túi không chỉ diễn ra ở đội thanh tra giao thông số 5, nơi có các cá nhân bị đưa ra xét xử mà ở tất cả các đội thuộc TTGT - Sở GTVT Hải Phòng.

Trước khi vụ án đưa ra xét xử (tháng 11/2014), ngày 21/4/2014, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an TP Hải Phòng đã có công văn số 592 gửi Sở GTVT Hải Phòng về việc phối hợp điều tra vụ án nêu trên.

Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP. Hải Phòng đề nghị Sở GTVT Hải Phòng cung cấp số liệu về kết quả kiểm tra, xử phạt các xe ô tô vận chuyển hàng quá tải của từng đội TTGT số 1, 2, 3, 4 thuộc Thanh Tra Sở GTVT Hải Phòng theo từng năm từ năm 2008 đến ngày 30/12/2012. (Đội Thanh tra có các thanh tra đang bị xét xử là đội số 5).

Những vết sửa chữa biên bản để chuyển lỗi ‘giúp’ xe vi phạm từ lỗi nặng sang lỗi nhẹ

Đến cuối tháng 12/2014, Sở GTVT Hải Phòng có công văn phản hồi. Theo báo cáo này, có thể thấy những con số giật mình về những hành vi tương tự sai phạm của những cán bộ Đội TTGT số 5 như đã nêu trên.

Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng tiếp tục có Công văn đề nghị Sở GTVT Hải Phòng chỉ đạo làm rõ các hành vi sai phạm của từng cá nhân, tập thể liên quan và hướng xử lý.

Cũng cuối tháng 12/2014, Sở GTVT Hải Phòng có công văn kèm theo Báo cáo của Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng cho thấy, các đội TTGT số 1, 2, 3, 4 đã lập biên bản không đúng với hồ sơ đăng kiểm là 284 trường hợp, dẫn đến việc ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính sai thẩm quyền, số liệu tăng qua các năm từ 2008-2012.

Trong đó, năm 2008: 5 trường hợp; năm 2009: 14 trường hợp; năm 2010: 14 trường hợp; năm 2011: 61 trường hợp và nhiều nhất là năm 2012 với 190 trường hợp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước số tiền chênh lệnh là gần 370 triệu đồng.

Lý giải về sai phạm này, Báo cáo do ông Hoàng Tiến Nam – Phó Chánh thanh tra phụ trách nêu: “Do trình độ của cán bộ thực thi công vụ có phần hạn chế…; sửa chữa lượng hàng hóa chở của phương tiện hoặc sửa chữa tải trọng thiết kế của phương tiện sai lệch so với hồ sơ kỹ thuật đăng kiểm để chuyển từ thẩm quyền của Chánh thanh tra về thẩm quyền của thanh tra viên”.

Đặc biệt, cũng theo báo cáo này: “Trong 5 năm, tổng số trường hợp vi phạm là 284, đây là những vi phạm cùng vào thời điểm vi phạm của Đội TTGT số 5, đã bị Cơ quan CSĐT và các cơ quan có thẩm quyền đưa ra xét xử”.

Song, Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng chỉ nhận định và đề xuất: “Tuy số lượng biên bản vi phạm hành chính bị sửa chữa của các đội không lớn nhưng cần xem xét, xử lý, nghiêm túc rút kinh nghiệm để không mắc phải những vi phạm tương tự”.

Do đó, Thanh tra Sở chỉ đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng cho phép “xử lý kỷ luật hành chính” và khắc phục hậu quả bằng cách “truy nộp toàn bộ số tiền chênh lệnh do xử phạt không đúng thẩm quyền” mà không đề nghị xử lý hình sự.

Công văn ‘đốc thúc’ của Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng gửi Sở GTVT đề nghị làm rõ ‘động cơ, mục đích’ của các cán bộ, thanh tra có dấu hiệu sai phạm

Cơ quan điều tra yêu cầu làm rõ ‘động cơ, mục đích”

Không đồng ý với kết quả ‘tự thanh tra” của chính Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng, ngày 11/3/2015, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng đã có công văn phản hồi, trong đó nêu rõ: “Kết quả thanh tra của Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng chưa làm rõ được nguyên nhân, động cơ, mục đích và mức độ sai phạm của từng thành viên Đội TTGT số 1, 2, 3, 4 trong việc kiểm tra, xử phạt các xe ô tô vận chuyển hàng hóa quá tải”.

Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng yêu cầu Sở GTVT làm rõ một số nội dung, trong đó có việc cần làm rõ việc cán bộ các Đội TTGT đã viết; ký bao nhiêu biên bản, quyết định xử phạt trái thẩm quyền là bao nhiêu; Làm thất thoát bao nhiêu tiền phạt của Nhà nước; Thủ đoạn, động cơ, mục đích khi thực hiện; Đã bàn bạc với những ai và làm theo sự chỉ đạo của ai; Nhận của chủ xe hoặc lái xe vi phạm bao nhiêu tiền, sử dụng thế nào;

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, vụ việc tày đình này vẫn đang ‘im lìm’ khi mà những cán bộ có sai phạm liên quan vẫn chưa được làm rõ và xử lý như công văn của Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng gửi Sở GTVT Hải Phòng từ tháng 3/2015.

Vì sao hành vi vi phạm của Đội TTGT số 1, 2, 3, 4 thuộc Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng từ năm 2008 đến 30/12/2012 là những vi phạm cùng vào thời điểm vi phạm của Đội TTGT số 5 đã bị Cơ quan CSĐT và các cơ quan có thẩm quyền đưa ra xét xử, nhưng Thanh tra Sở chỉ đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng cho phép ‘xử lý kỷ luật hành chính’ và khắc phục hậu quả bằng cách ‘truy nộp toàn bộ số tiền chênh lệnh do xử phạt không đúng thẩm quyền’ mà không đề nghị xử lý hình sự?

Ai đang bao che cho những hành vi vi phạm này?

VTC News sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Tác giả bài viết: Nhóm PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP