ACV có nhiều sai phạm
Mới đây, Thanh tra Bộ Tài chính đã có kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – (ACV).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của ACV cho thấy, tổng tài sản của Tổng công ty ACV là 48.761 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2017 là hơn 27.384 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy, tổng nợ phải trả lên tới 21.778 tỷ đồng (nợ ngắn hạn là 7.349 tỷ đồng, nợ dài hạn 14.408 tỷ đồng) doanh thu và thu nhập là 15.236 tỷ đồng; tổng chi phí là 9.892 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 5.343 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Bộ Tài Chính, sau khi tiến hành thanh tra tại Công ty mẹ - Tổng công ty ACV và 4 doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp có vốn đầu tư gồm: Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất; Công ty CP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam; Công ty CP Dịch vụ mặt đất Sài Gòn cho thấy quản lý công nợ còn nhiều vấn đề.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – (ACV). |
Cụ thể, tại 5 doanh nghiệp này, nợ phải thu tại thời điểm 31/12/2017 là 8.020 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy có 4/5 doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu, xác nhận đầy đủ nợ phải thu với số tiền 943 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng nợ phải thu.
Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra, Tổng công ty ACV chưa kịp thời xử lý để thu hồi 16 tỷ đồng là khoản tiền đã ứng và thanh toán cho các nhà thầu của một số hạng mục đã dừng thi công. Dù đến tháng 7/2017, ACV đã đôn đốc, đối chiếu xác nhận công nợ, lập hồ sơ quyết toán, nhưng một số nhà thầu đã không còn hoạt động tại địa chỉ làm việc, do đó khoản công nợ này khó có khả năng thu hồi.
Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính cũng chỉ ra việc có đến 2/5 doanh nghiệp được thanh tra hạch toán tăng chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017 với số tiền 6 tỷ đồng. Trong số đó, tại Công ty mẹ - Tổng công ty ACV số tiền hơn 5 tỷ đồng của 20 tài sản cố định hữu hình. Bộ Tài chính cũng cho hay, ACV đã trích chi phí khấu hao tăng không đúng dẫn đến xác định thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 là 1 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề nghị định ACV phải nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 321,8 tỷ đồng; trong đó, chênh lệch thu - chi từ hoạt động khu bay (tài sản nhà nước) số tiền hơn 24 tỷ đồng.
ACV cũng từng bị TTCP chỉ nhiều sai phạm
Trước đó, tháng 1/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Theo TTCP, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015, ACV đã sử dụng nguồn vốn trích trước sửa chữa lớn để đầu tư xây mới dự án dự án đường lăn E6 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với giá trị là 297,253 tỷ đồng, do ACV sử dụng sai nguồn vốn để đầu tư nên phần chi phí sửa chữa lớn trích trước nêu trên không được tính là chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, ACV phải nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền 62,674 tỷ đồng.
Đến 31/3/2016, ACV mới ghi tăng tài sản dự án đường lăn E6 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với giá trị là 297,253 tỷ đồng. Vì vậy, giá trị các tài sản của Nhà nước được loại ra khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa không đúng.
Đáng chú ý kết luận thanh tra chỉ rõ: “Việc ACV nhận bàn giao 7,63 ha đất quốc phòng để thực hiện dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại sân cảng hàng không Tân Sơn Nhất mà không có sự tham gia của UBND TP HCM là vi phạm quy định của Luật Đất đai”.
Cũng theo TTCP, đối với công tác cổ phần hóa, thoái vốn, kết quả thanh tra chỉ ra rằng: ACV cũng làm trái quy định với giá trị lên tới hơn 903 tỷ đồng, cần phải truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 692 tỷ. Cùng với đó là những vi phạm khi xem xét phương án giá thuê tài sản tại khu bay do ACV lập, trình Bộ Giao thông Vận tải.
Trong đó, điển hình là việc đưa thiếu giá trị tài sản do ACV đã đầu tư lên tới 297 tỷ đồng tại một đường lăn của sân bay Đà Nẵng… Trên cơ sở phát hiện các sai phạm, TTCP kiến nghị xử lý số tiền là 3.652.479,9 triệu đồng và 7,225,1 ha đất.
Theo Kết luận thanh tra của bộ GTVT số 5045/KL-BGTVT ngày 15/5/2018 do Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký cũng nêu rõ: giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, ACV đã đầu tư xây dựng 85 dự án với tổng mức đầu tư các dự án là hơn 42.140 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước là 1.420,9 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ là 4.221,7 tỷ đồng; vốn ODA là 12.443,13 tỷ đồng; vốn ACV là 24.074,7 tỷ đồng. Sau khi tiến hành thanh tra, rà soát 85 dự án trên, Thanh tra bộ GTVT cho biết, việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn đầu tư do ACV quản lý còn nhiều bất cập. Giai đoạn 2011 - 2016, kế hoạch vốn chưa sát với thực tế nên có dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; cũng có dự án giá trị giải ngân thấp hơn kế hoạch; có 1 dự án có kế hoạch vốn nhưng chưa thực hiện giải ngân.
Điều đáng nói hơn, tại dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí vốn đầu tư dự án không đúng theo quyết định đã được phê duyệt. Cùng với đó, ACV đã để xảy ra nhiều tồn tại khi khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án. Về chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chưa cao, chưa sát với thực tế nên trong quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế, bổ sung hạng mục, khối lượng phát sinh, thay đổi vật liệu, điều chỉnh đơn giá, thiết bị,... Trong thiết kế kỹ thuật thiếu chi tiết gây khó khăn cho việc kiểm soát khối lượng, chất lượng. Thiết kế kỹ thuật thay đổi so với thiết kế cơ sở nhưng chưa tiến hành điều chỉnh thiết kế theo quy định.
Nghiêm trọng nhất là việc ACV tính sai đơn giá, tính trùng chi phí, biện pháp thi công chưa đúng. Dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa đường HCC 25R - CHK Tân Sơn Nhất thiết kế BVTC chưa phù hợp với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, chưa thực hiện đúng quy định tại mục C, Khoản 2, Điều 16 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
ACV vẫn được Bộ GTVT ưu ái?
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.
Văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký đề xuất 4 hình thức đầu tư nhà ga này gồm: Giao cho ACV - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; Sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Đầu tư xây dựng theo hình thức PPP. Trong đề xuất này, Bộ GTVT cũng phân tích cụ thể các ưu nhược điểm của từng phương án.
Theo Bộ GTVT, Bộ này đề xuất chọn phương án giao ACV. “Do đây là DNNN chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu; đồng thời là doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là người khai thác cảng nên việc giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết”, văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký nêu rõ.
Bộ GTVT phân tích, do ACV là DNNN chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu nên ACV thực hiện đầu tư tuân thủ theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể, để đảm bảo công bằng, minh bạch, ACV tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp qua đó giúp giảm chi phí đầu tư, đem lại lợi ích cho nhà nước và xã hội. Việc tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng đã được các cơ quan có chức năng tiến hành thanh tra, kiểm toán hàng năm.
ACV cũng đã thể hiện được năng lực qua các công trình quan trọng được doanh nghiệp này đầu tư trong suốt thời gian qua như: Nhà ga hành khách T2 Nội Bài; CHK quốc tế Phú Quốc; Nhà ga hành khách CHK quốc tế Vinh; CHK Thọ Xuân; Cải tạo, nâng cấp CHK Pleiku; Nhà ga hành khách Cát Bi...
Tuy nhiên, xung quanh việc này, dư luận cho rằng, ACV được ưu ái khi Bộ GTVT trình Chính phủ giao cho ACV thực hiện mở rộng CHK Tân Sơn Nhất
Tác giả: Thiên Nga (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Kiến thức