Để đảm bảo thời vụ đa số người dân đã huy động tổng lực các nguồn lao động và thuê mượn thêm nhân công, máy móc thiết bị làm đất. Trên 1000 máy phay xới trên địa bàn vốn được dùng để làm đất ruộng và trồng màu đã được huy động. Bắt đầu từ năm nay nhiều hộ dân còn đầu tư mua máy cày kiêm đánh luống nên năng suất lao động càng được nâng lên. Theo Ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch UBND xã Thah Lâm là đơn vị có trên 200 ha sắn cho biết mỗi ngày một chiếc máy cày kiêm đánh luống có thể thay thế 30 lao động nhưng chi phí chỉ khoảng 3 triệu động bằng một nửa so với thuê người nên hiện tại đất trồng sắn trên địa bàn chủ yếu được làm bằng máy.
Cùng với sự hăm hở của người dân, nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An đóng trên địa bàn huyện cũng đã có nhiều hoạt động giúp nông dân như: ký hợp đồng cung ứng phần đầu tư giống và phân bón cho các hộ trồng sắn. Khi thu mua, nhà máy tính toán thời điểm thu hoạch, giá mua vào, phương thức vận chuyển, biện pháp xử lý khi gặp thiên tai… Nhờ vậy mà nhiều nơi diện tích sắn tăng nhanh như Thanh Ngọc tăng từ 169 ha lên 209 ha, Thanh Sơn tăng từ 207 ha lên 299ha. Ông Trần Quốc Hoàn- Giám đốc nhà máy khẳng định: “Chúng tôi coi nguyên liệu là trái tim của nhà máy nên luôn đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà máy, đại lý thu mua và người trồng nguyên liệu”.
Nhờ sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ và sự ủng hộ nhiệt tình của người dân đến thời điểm này toàn huyện Thanh Chương đã trồng được khoảng 1000 ha sắn, phấn đấu trồng đạt 2000 ha vào ngày 10/3 để chuyển sang chăm sóc, đảm bào từ tháng 9 sẽ có nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.
Tác giả bài viết: Đình Hà/Đài Thanh Chương
Nguồn tin: