Du lịch

Tháng ba rong chơi Tây Nguyên

Tháng ba, Đắk lắk vào mùa khô. Đó cũng là mùa mà mọi người gọi là mùa hoa cà phê, mùa con ong lấy mật. Một cuộc hành trình khám phá miền đất mà cách đây 100 năm, những cây cà phê đầu tiên được trồng, để nay trở thành xứ sở của loại cây có sức hút lạ kỳ.

Cuộc hành trình đến Buôn Ma Thuột là cuộc hành trình đi qua những cung đường vào mùa bươm bướm bay về, đi trong mùi hoa cà phê thơm lừng khiến cho chặng đường dẫu xa cũng trở nên gần gụi. Có lẽ nhiều người thường thích đi du lịch vào những mùa hoa, thì mùa hoa cà phê Tây Nguyên cũng là mùa mà không thể không lên đường. Điểm đặc biệt là hoa cà phê có khắp mọi nơi ở Tây Nguyên, bởi những cánh đồng cà phê được trồng bạt ngàn, các công ty cà phê đã mở những con đường vào tận nơi. Bạn có thể đi theo bất cứ con đường đất đỏ nào đó để vào một không gian hoa trắng bạt ngàn. Hoa cà phê trắng ngần, tinh khiết, mọc thành chùm khiến lòng người ngẩn ngơ. Lạc vào không gian ấy, dạo theo con đường giữa màu hoa trắng, bắt gặp biết cơ man nào là những chú ong cần mẫn hút mật. Thường vào mùa hoa cà phê cũng là mùa các nơi nuôi ong lấy mật dịch chuyển trại ong đến gần đó để ong hút mật. Từ đó mà lợi thế đôi đường, người nuôi ong có mật, còn người trồng cà phê được mùa sai quả nhờ sự kích thích của những con ong trên những đóa hoa. Và nữa, trên con đường đến các vườn cà phê trong mùa hoa ấy, dập dìu một loại bướm trắng bay, dường như chúng cũng chọn mùa hoa để vỡ kén, bay chao trong nắng tháng ba.

Tháng ba, cuộc hành trình tới Buôn Đôn cho ta một cảm nhận khác giữa đất trời khô hạn. Thật ra thì nếu tới Trung tâm du lịch Buôn Đôn, mua vé 40 ngàn đồng để đi cầu treo qua đảo Ea Nô chỉ là một cách giải trí đơn thuần; để hứng khởi bỏ ra 150.000 đồng/người leo lên mình con voi, ngất ngưỡng trên đó, còn chú voi đủng đỉnh chở người đi qua dòng sông Sê Rê Pốk cạn nước. Cũng có thể khi qua đảo là tìm cảm giác đi qua những chiếc cầu treo giăng chằng chịt. Tuy nhiên, bạn sẽ không tốn một đồng nào cả khi làm một cuộc hành trình khác mà vẫn gặp nhiều điều thú vị. Đó là vào con đường nhỏ nơi Buôn Trí A. Bạn chạm gặp nơi này một không gian nhà mồ với cơ man tượng gỗ kỳ bí. Trước kia, nơi đây là một khu rừng khộp và giá trị, cây che bóng mát. Nay thì rừng cây đã không còn và đã dựng thêm khu nhà mồ của người đàn ông đầy truyền thuyết A Ma Công với công thức chế biến rượu mang tên ông. Ngôi mộ này vẫn đề bảng là mộ Vua Voi. Nhưng thật ra mộ vua voi Khunjunob tên thật là T"thu K"nul, sinh năm 1828 và mất năm 1938 (thọ 110 tuổi) người khai lập ra Buôn Đôn lại ở một khu rừng cách xa Buôn Đôn khoảng 1km. Vào trong khu nhà mồ có cảm giác không gian thật hư ảo đưa bước ta theo con đường đất đỏ xuống bến nước của dòng Sê Rê Pốk. Vào buổi sáng hay chiều tà, bến nước thật rộn ràng khi người dân tại đây xuống tắm giặt và lấy nước về nhà dùng. Dòng Sê Rê Pốk mùa khô cạn nước, không gầm thét mà trở mình trơ đá, nhiều đoạn cạn có thể lội qua bên kia Vườn Quốc gia Yok Đôn. Còn nếu vào Buôn Trí sẽ gặp hình ảnh buôn làng hiền hòa với những hàng rào tre đơn giản, những căn nhà sàn cạnh những hàng cây trụi lá khô. Một cảm giác thênh thang đến lạ...

Giờ đây, những cuộc di dân đã phá vỡ đi sự yên tĩnh của các buôn làng Tây Nguyên. Nhiều ngôi nhà sàn đã hiện đại hóa bằng mái ngói, mái tole. Trong nhà có cả tivi, tủ lạnh. Tuy nhiên, nếp sống của người Gia Rai, Ê Đê, Ba Na... không đổi, họ tách rời ra khỏi không gian du lịch, họ sống êm ả theo cách xưa nay vẫn sống và trên những con đường vào buôn làng Tây Nguyên ta vẫn chạm trong ta những rộn ràng về một không gian sống lạ. Chính không gian sống hồn nhiên ấy đã tạo ra bức tranh du lịch Đắk Lắk chứ không phải là những gian hàng dày đặc chào mời khách mua những sản phẩm thổ cẩm, áo quần, đồ trang trí... mà có thể mua bất cứ ở khu du lịch nào. Cái khác chăng trong cuộc hành trình là cùng vào một ngôi nhà sàn, thổi bùng lên bếp lửa, uống ché rượu cần say lúy túy với mồi đôi khi chỉ là một miếng khô nai... Tôi đã có bao nhiêu lần rong ruổi đến Đắk Lắk và bấy nhiêu lần ngẩn ngơ khi vào một cánh rừng mùa khô, những cây khộp hồn nhiên búng lá xanh hớn hở mặc kệ đất trời khô hạn.

Tác giả: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

  Từ khóa: cỡi voi , Tây Nguyên , du lịch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP