Nổi bật trong số vũ khí công nghệ cao mà Lầu Năm Góc đang tập trung phát triển là dự án chế tạo tàu sân bay trên không có khả năng triển khai cùng lúc nhiều phi đội máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ.
Tàu sân bay trên không
Lầu Năm Góc đang bắt tay với các công ty công nghệ tư nhân để biến tham vọng này thành hiện thực. Vào cuối tháng 4, Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc đã ký với Công ty Dynetics (Mỹ) hợp đồng có thời hạn 21 tháng và trị giá 38,6 triệu USD để phát triển phần mềm và công nghệ trong khuôn khổ chương trình có tên mã là Gremlins. Tham gia dự án còn có Công ty Kratos (Mỹ) phụ trách chế tạo thế hệ UAV mới với cánh có thể gập lại, giúp nó dễ lọt vào thân máy bay hơn.
Các chuyên gia cho rằng việc có được khả năng triển khai và thu hồi nhiều UAV cùng lúc sẽ là bước tiến quan trọng, giúp quân đội Mỹ có lợi thế lớn hơn trên chiến trường. "Bạn có thể triển khai các nhóm (UAV) hết lần này đến lần khác và điều này khiến đối phương choáng ngợp" - ông Tim Keeter, kỹ sư trưởng của Dynetics, giải thích. Sau khi hoàn tất các thiết kế kỹ thuật và hệ thống cảm ứng phức tạp cho phép UAV bay cùng nhau, Dynetics và Kratos đang phát triển phần mềm giúp chúng cất cánh và hạ cánh an toàn.
Tiếp đến, họ phải chứng minh được rằng có thể phóng cùng lúc 4 UAV từ thân máy bay vận tải C-130, để chúng bay trong suốt 30 phút trước khi trở lại thân máy bay. Công ty Dynetics gần đây cho biết họ đã thử nghiệm thành công hệ thống thu hồi UAV cho C-130. "Những chuyến bay thử nghiệm ban đầu giúp chúng tôi tin rằng có thể thu hồi 4 UAV trong 30 phút" - ông Scott Wierzbanowski, quản lý chương trình tại DARPA, cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ nghiên cứu khái niệm tàu sân bay trên không. Vào những năm 1930, hải quân nước này từng phóng thành công 2 máy bay 2 tầng cánh từ một khinh khí cầu. Tuy nhiên, ý tưởng này bị "bỏ rơi" sau hàng loạt vụ tai nạn khinh khí cầu thảm khốc.
Giờ đây, sau gần 1 thế kỷ, tướng không quân Mỹ về hưu David Deptula nhận định việc phóng, thu hồi những UAV có kích thước nhỏ và đáng tin cậy hơn có thể mang lại cơ hội mới cho quân đội. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn đối với tham vọng này là vẫn chưa có nhiều tiền dành cho nó. Toàn bộ chương trình Gremlins dự kiến kéo dài trong 43 tháng với tổng chi phí chỉ vào khoảng 64 triệu USD, tức tương đương 2/3 chi phí của một chiến đấu cơ F-35.
Ảnh mô phỏng những UAV nhỏ được triển khai từ máy bay vận tải C-130 Ảnh: DARPA |
Chạy đua vũ khí siêu thanh
Để trấn an, giới chức Mỹ khẳng định những nỗ lực như Gremlins không thể thiếu trong kế hoạch duy trì sức mạnh quân sự vượt trội của Lầu Năm Góc so với kẻ thù tiềm tàng, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, chương trình Gremlins - được khởi động thời Tổng thống Barack Obama - có ý nghĩa quan trọng để phi công chiến đấu trong tương lai sẽ bay vào không phận kẻ thù với sự hỗ trợ của phương tiện bay tự động không người lái.
Chương trình này là một phần nỗ lực khai thác những bước tiến về robot, phương tiện tự lái và trí tuệ nhân tạo. Lầu Năm Góc đang đầu tư phát triển loại UAV bay cạnh chiến đấu cơ có người lái nhằm "hấp thu" hỏa lực của kẻ thù. Trong khi đó, Hải quân Mỹ phát triển tàu ngầm tự động có khả năng phá mìn, trinh sát những khu vực nguy hiểm hoặc vận chuyển hàng hóa.
Trước đó, vào đầu tháng 4, quân đội Anh - Mỹ lần đầu tiên sử dụng robot phá hủy chướng ngại vật, dọn dẹp các bãi mìn để tạo điều kiện cho lực lượng phía sau tấn công trong cuộc tập trận chung mang tên Robotic Complex Breach Concept diễn ra tại khu vực huấn luyện Grafenwoehr ở miền Nam nước Đức.
Mỹ có lý do để tăng cường nỗ lực nói trên sau khi xuất hiện cảnh báo nước này đã bị Moscow và Bắc Kinh vượt mặt trong cuộc đua vũ khí siêu thanh - một loại vũ khí phi hạt nhân có thể tấn công mọi mục tiêu trên thế giới trong vòng 1 giờ nhờ tốc độ khủng khiếp và khả năng xuyên thủng những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov gần đây cho biết Moscow đã triển khai tên lửa siêu thanh đầu tiên, có tên là Kinzhal, trên 10 chiến đấu cơ MiG-31 vào tháng rồi. Trong khi đó, Trung Quốc cũng được cho là đã thử nghiệm thành công một loại tên lửa siêu thanh có tên DF-17 vào năm ngoái. Một số thông tin gần đây tiết lộ DF-17 có tầm bắn 1.931 km và có thể được triển khai sớm nhất vào năm 2020.
Giới lãnh đạo quân sự Mỹ xem vũ khí siêu thanh là giải pháp thay thế khả thi cho bom hạt nhân. "Các hệ thống vũ khí siêu thanh có thể thay đổi đáng kể cán cân hiện nay giữa Mỹ và các đối thủ lớn. Chúng có thể tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng như sân bay, trung tâm điều khiển và chỉ huy, kho chứa và các điểm tập trung lực lượng khi kẻ thù còn chưa kịp phản ứng" - ông Daniel Goure, Phó Chủ tịch Viện Lexington (Mỹ), đánh giá.
Tuy nhiên, sau hàng loạt thất bại về thiết kế và thử nghiệm, Lầu Năm Góc không còn dành nhiều hậu thuẫn cho loại vũ khí này. Thay vào đó, họ chuyển sang nghiên cứu hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa hay tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới. Dù vậy, trong động thái cho thấy Mỹ không muốn bị tụt lại phía sau, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề nghị khoản tiền 256 triệu USD để DARPA nghiên cứu vũ khí siêu thanh trong ngân sách quốc phòng cho tài khóa 2019.
Tác giả: CAO LỰC
Nguồn tin: Báo Người lao động