Một phần của Lầu Năm Góc bị sụp đổ sau khi bị chiếc máy bay đâm vào. Ảnh: AFP
Ngày 11/9/2001, tổng cộng 4 chiếc máy bay Boeing đã bị Al- Qaeda khống chế để thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào nước Mỹ, tuy nhiên, chuyến bay 77 của American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc dường như không được nhắc đến mỗi khi dư luận Mỹ đề cập đến sự kiện đau thương này, theo Slate.fr
Bộ phim tài liệu "Bên trong Lầu Năm Góc" của đạo diễn Kirk Wolfinger mới được trình chiếu ngày 6/9, dẫn lời các nhân chứng và người thân các nạn nhân, không nằm ngoài mục đích "trả lại" cho sự kiện này những giá trị lịch sử thực tế của nó.
Sáng ngày 11/9/2001, chiếc máy bay Boeing mang số hiệu 757-223 bắt đầu thực hiện lịch trình theo quy định từ sân bay quốc tế Washington Dulles, Virginia đến sân bay quốc tế Los Angeles, California.
Chỉ 35 phút sau khi cất cánh những tên không tặc đã xông vào buồng lái, khống chế phi công, buộc các hành khách, phi hành đoàn về phía sau của máy bay. Hani Hanjour, một trong những tên không tặc được đào tạo phi công, nắm quyền kiểm soát, hướng máy bay về phía quận Arlington.
9h 37', nhóm không tặc điều khiển máy bay đâm vào phía tây của Lầu Năm Góc. Vụ nổ phát ra sau đó làm hư hỏng nặng một khu vực của trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ và gây ra một đám cháy lớn khiến các nhân viên cứu hỏa phải mất nhiều ngày để dập tắt hoàn toàn.
Tổng cộng 184 người đã thiệt mạng, trong đó bao gồm nhiều dân thường.
Theo đạo diễn Kirk Wolfinger, do diện tích của Lầu Năm Góc quá rộng (khoảng 500.000 m2), nên vụ nổ gây ra bởi một chiếc máy bay tại đây dường như không tạo được ấn tượng mạnh so với những gì đã xảy ra tại trung tâm New York.
Số lượng người thiệt mạng tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ là không lớn (184 so với 2753) cũng là nguyên nhân khiến cuộc tấn công nhằm vào đây ít được dư luận Mỹ nhớ đến, so với hai cuộc tấn công nhằm vào tòa tháp đôi ở Mahattan.
Tuy nhiên, những tình tiết bi thảm được kể lại như việc các nhân viên của Lầu Năm Góc cố gắng thoát ra khỏi phòng làm việc bị bịt kín bằng cách ném máy in vào cửa sổ nhưng bất thành, hoặc một nhóm công nhân từ chối rời khỏi tòa nhà khi có cảnh báo nguy hiểm, bởi họ vẫn chưa xử lý xong sự cố nước của tòa nhà, đủ khiến dư luận sẽ buộc phải nhớ đến sự kiện này như một minh chứng cho sự đau thương và dũng cảm của người Mỹ.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng