Đài CNN dẫn lời Thẩm phán John Bates đến từ Quận Columbia cho rằng Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã không chứng minh được DACA là một chương trình bất hợp pháp. Vì vậy, quyết định chấm dứt DACA của chính quyền Tổng thống Donald Trump bị xem là hành động "tùy tiện và thất thường".
Ông Bates cũng cáo buộc chính phủ cung cấp cơ sở pháp lý không đủ để biện minh cho quyết định của mình. Trong phán quyết dài 60 trang, ông Bates viết rằng chính phủ hầu như dựa vào lập luận DACA gây ra mối đe dọa ở bang Texas và một số tiểu bang khác để biện minh.
Trước mắt, thẩm phán này cho chính quyền Tổng thống Donald Trump thời hạn 90 ngày để thu thập bằng chứng pháp lý và đưa ra lời giải thích thỏa đáng, nếu không sẽ phải khôi phục hoàn toàn chương trình, trong đó có việc tiếp nhận các đơn xin gia nhập DACA mới.
"Động thái trên được xem là đặc biệt nghiêm trọng đối với hàng trăm ngàn người nhập cư đang được DACA bảo vệ" – ông Bates cảnh báo.
Biểu tình phản đối chấm dứt DACA ở Mỹ hồi tháng 3. Ảnh: AP |
Đáp lại, Bộ Tư pháp Mỹ mô tả DACA là chương trình đã "qua mặt quốc hội trái phép", đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện loại bỏ DACA.
"Thúc đẩy và thực thi luật pháp rất quan trọng trong việc bảo vệ đất nước, biên giới và công dân của Mỹ. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm này một cách mạnh mẽ và sẽ khẳng định quan điểm của mình trong các vụ kiện" – người phát ngôn Bộ Tư pháp Devin O'Malley nhấn mạnh.
Các đảng viên Dân chủ kêu gọi chống lại quyết định chấm dứt DACA của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 9-2017. Ảnh: AP |
Chương trình DACA được nối lại sau khi Tổng thống Donald Trump tìm cách chấm dứt nó vào tháng 9 năm ngoái. Nỗ lực chấm dứt chương trình của ông trước đó bị 2 thẩm phán liên bang khác ở San Francisco và New York ngăn chặn.
Họ ra phán quyết buộc Washington phải chấp nhận gia hạn thêm 2 năm dành cho những người nằm trong diện được DACA bảo vệ.
Tuy nhiên, phán quyết của ông Bates hôm 24-4 là cứng rắn nhất từ trước đến nay vì yêu cầu chính phủ chấp nhận đơn xin tham gia DACA mới, có khả năng mở rộng chương trình và tiếp nhận thêm hàng chục ngàn người từ con số 700.000 người hiện tại.
Cựu Tổng thống Barack Obama thành lập DACA dựa trên sắc lệnh hành pháp vào năm 2012.
DACA cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi, đến Mỹ từ khi còn là một đứa trẻ có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất, có nghĩa chính phủ sẽ không trục xuất họ trong 2 năm và cho họ cơ hội làm việc hợp pháp ở Mỹ.
Tác giả: Phạm Nghĩa
Nguồn tin: Báo Người lao động