Một món quà từ phụ huynh, xét về phương diện nào đó có thể nói là cách thể hiện sự quan tâm, lòng biết ơn thiết thực nhất. Nhưng khi phụ huynh tặng quà với sự toan tính nhằm mưu cầu lợi ích nào đó, món quà đó đã trở thành gánh nặng mất rồi.
Có phụ huynh dùng quà cáp để đổi lấy một mối quan hệ thân thiết, nhăm nhe nhờ cậy trong tương lai. Có người dùng quà cáp tặng thầy cô nhằm đổi lấy sự quan tâm đặc biệt cho con họ. Có người dùng quà cáp hòng đổi lấy những điểm số không đúng với năng lực thật sự của con em…
Quà cáp biến tướng thành vật trao đi đổi lại, người cho và người nhận đều mệt mỏi. Tôi biết có nhiều phụ huynh không phải khá giả gì nhưng cũng phải cố “bằng chị bằng em”. Nghe người ta đi quà Tết thầy cô, nhà mình cũng sắm quà, cũng chúc Tết kẻo con mình thua thiệt.
Tôi cũng biết có nhiều gia đình khá giả đến mức vung tay sắm quà Tết đắt tiền hoặc bỏ phong bì lên đến tiền triệu đi chúc Tết giáo viên. Họ đâu biết rằng không phải ai cũng thích tiền, không phải tất cả thầy cô đều mong được nhận quà ngày Tết.
Cháu tôi là giáo viên ở một thành phố lớn kể mỗi khi Tết đến là cháu lại thấy khó xử. Phụ huynh đến chúc Tết tay xách quà và luôn bảo “Chút quà mọn”, “Cô nhận cho chị vui”… Không nhận thì họ bảo mình “chảnh”, “chê quà”… Còn nhận thì áy náy vì giá trị món quà quá lớn.
Cháu kể trong lớp có nhiều em học sinh thuộc diện khó khăn. Vậy mà lễ Tết phụ huynh vẫn gửi quà cho cô giáo. Cháu thừa biết phụ huynh phải làm lụng vất vả mới đủ sức nuôi con ăn học và đủ thứ chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ. Vậy nên những món quà cho giáo viên ngày Tết lại càng làm phụ huynh lúng túng, mệt mỏi hơn. Chẳng còn cách nào khác, cháu nhận quà mà lòng nặng trĩu và trăn trở tìm cách giúp trò khi cần thiết.
Xã hội ngày càng hiện đại nên nhiều người vội vàng quy chụp giá trị kim tiền lên nhiều mối quan hệ vốn thiêng liêng. Nhưng tôi nghĩ không phải tất cả giáo viên đều “ai chẳng thích tiền”. Không phải tất cả giáo viên đều thương yêu trò nhờ những món quà của phụ huynh. Lại càng không phải tất cả giáo viên đều phân biệt đối xử khắt khe với học sinh không tặng quà!
Bởi vậy, khi đọc bài viết “Cảm ơn các anh chị nhưng cho tôi gửi lại… chiếc phong bì” trên báo Dân trí, tôi hả hê vô cùng khi chính phụ huynh nhận ra rằng: “Chính người lớn chúng ta đôi khi còn đặt nặng vật chất, quà cáp sao dạy con trẻ tri ân biết bằng tình cảm?”.
Người giáo viên trong bài viết đó tôi gặp rất nhiều ở ngoài đời thực và đó là những người thầy mẫu mực. Họ không đòi hỏi phụ huynh phải tặng quà, học sinh phải chúc Tết đầy đủ. Đôi khi một cuộc điện thoại, một dòng tin nhắn cũng đủ làm lòng người thầy ấm áp.
Dạy con lòng tri ân thầy cô, tôi nghĩ đó là trách nhiệm của chính bố mẹ. Khi bố mẹ có một quan điểm tích cực về thầy cô giáo, thường xuyên nói với con về vai trò người thầy, định hướng cho con cách thể hiện lòng biết ơn, tôi nghĩ tâm hồn con trẻ sẽ dần hoàn thiện.
Dạy con lòng tri ân thầy cô, bố mẹ đừng thay thế con trẻ làm tất cả mọi việc. Nào là phát tiền cho trẻ mua quà theo chỉ định hoặc tự tay bố mẹ chuẩn bị quà, gói quà rồi chính bố mẹ đi chúc Tết, tặng quà.
Một tấm thiệp tự tay các con nắn nót viết, một món quà nhỏ từ tiền tiết kiệm của các con sẽ giá trị hơn nhiều so với bao nhiêu quà cáp nặng trĩu kèm phong bao phong bì.
Tác giả: Thùy Mai
Nguồn tin: Báo Dân trí