Những tiếng xuýt xoa đầy ngạc nhiên lập tức vang lên: “Ồ”, “A”, “Thật hở thầy?”…
Lần đầu tiên trong suốt hơn chục năm đứng lớp, chúng tôi mới được “thưởng Tết”! Lần đầu tiên chúng tôi được cấp trên “hào phóng” chi hai trăm nghìn trên đầu người. Tất cả nghe đâu vì bài thơ “Tết” đầy ngậm ngùi của một thầy giáo đã làm cấp quản lý động lòng và duyệt chi.
Ôi! Hai trăm nghìn đồng giữa thời vật giá leo thang này sẽ sắm sửa thế nào đây?
Mua cho con cái tấm áo mới thì khỏi bày biện mứt bánh ư? Mua hai cân hạt dưa thì con đành mặc áo cũ ư? Suy đi tính lại vẫn chẳng làm sao cho vẹn cả đôi đường, thôi thì đành thắt lưng buột bụng. Chúng tôi vẫn an ủi nhau “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Nhà giáo, lương bổng hàng tháng luôn phải dè sẻn mới đủ chi tiêu cả chục khoản cơm áo gạo tiền, ơn đi nghĩa lại. Nhà giáo, mua sắm hay ốm đau đều phải “lụy” ngân hàng rồi trả dần cục nợ. Nhà giáo, Tết đến xuân về lại lần nữa chạnh lòng với tiền thưởng Tết.
Năm nay trường tôi không còn dư dả khoản nào để trang trải cho thầy cô hộp bánh, gói mứt nữa. Ngay đến bữa cơm thân mật cuối năm cũng huy động sự đóng góp của thầy cô cùng nhà trường, công đoàn tổ chức cho tươm tất. Bởi trước đó khoảng hơn một tháng, mỗi thầy cô đã được nhận khoản tiết kiệm chi năm trăm nghìn đồng, mọi người hay gọi là lương tháng mười ba.
Lương tháng mười ba, nghe thì oai vậy thôi chứ thật ra đó là khoản tiền tiết kiệm được sau một năm tự chủ về tài chính của nhà trường theo Nghị định 43 của Chính phủ. Chúng tôi nhận được chừng ấy tiền vẫn xem như là may mắn hơn nhiều trường bạn bởi bạn tôi chỉ nhận được vài chục nghìn cuối năm.
Vậy đó, cứ Tết đến là nhà nhà, người người xôn xao mức thưởng. Kỷ lục năm nay thuộc khối doanh nghiệp hơn tám trăm triệu đồng, đó là một “giấc mơ không tưởng” với giáo viên. Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cũng vươn lên với mức thưởng vài triệu đến vài chục triệu, đó cũng là một điều xa xỉ vô cùng với đội ngũ giáo viên khắp cả nước.
Lương tháng mười ba, ai nghe cũng giật mình với con số vài chục nghìn, vài trăm nghìn. Thưởng Tết, ai nghe cũng lắc đầu với hộp bánh, gói mứt.
Bao nhiêu năm qua vẫn vậy, tôn vinh nhà giáo vẫn tôn vinh, chăm lo đời sống giáo viên vẫn được hứa hẹn nhiều. Nhưng mức sống eo hẹp vẫn eo hẹp, đãi ngộ thấp vẫn hoàn thấp.
Không phải vì lương thấp, đãi ngộ ít mà người thầy thui chột nhiệt huyết. Khi đã mang lấy cái nghiệp “làm thầy thiên hạ” vào người, mặc nhiên người thầy phải luôn trui rèn nhiệt tâm. Tôi nghĩ phần lớn giáo viên hiện nay vẫn sẵn sàng sống thanh đạm để giữ lòng thanh bạch.
Người thầy có được những món quà quý giá hơn rất nhiều so với vật chất, kim tiền. Ai đã và đang làm thầy mới thấm thía niềm hạnh phúc ngọt ngào khi nghe tiếng “dạ thưa” đầy thân thương, khi bắt gặp ánh mắt trong veo nhìn mình đầy ngưỡng mộ, khi bất chợt bắt gặp khuôn mặt thân quen và nụ cười hớn hở của trò giữa dòng người đông đúc… Chỉ thế thôi đã đủ làm lòng người thầy ấm áp vô cùng.
Thế nhưng đừng vội hờn trách người thầy đòi hỏi lương cao, thưởng nhiều! Sẽ là niềm động viên lớn cho đội ngũ nhà giáo khi Tết đến xuân về có thêm khoản thu nhập để vun vén, chu toàn cho cuộc sống hơn.
Hy vọng rằng ngành giáo dục trong tương lai sẽ chăm lo đời sống cho giáo viên tốt hơn, để bớt tiếng thở dài, để vơi đi cõi lòng chạnh buồn khi Tết đến. Mong lắm thay…
Tác giả: Thùy Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí