Nhân ái

Tết ấm của nữ công nhân mất chồng, một mình nuôi ba con nhỏ

Cận Tết, tới thăm gia đình người nữ công nhân Đặng Thị Thủy (sinh năm 1987, làm việc tại Công ty TNHH điện tử Asti, KCN Quang Minh, Đông Anh, Hà Nội), chúng tôi rất cảm phục nghị lực của chị, bởi chị một mình gắng sức nuôi ba con!

"Chúng bảo nhau không khóc vì sợ mẹ buồn"

Bóng tối dần phủ trùm lên mọi ngóc ngách làng Gia Trung (thị trấn Quang Minh, Đông Anh, Hà Nội). Gần 5 năm trước, chúng tôi đã ghé thăm nơi đây để tìm đến ngôi nhà của người nữ công nhân được coi là khổ nhất trong hơn 106.000 người lao động đang làm việc tại các Khu công nghiệp - Chế xuất Hà Nội.

Về làng Gia Trung thời điểm này, không khí tết đã đến thật gần. Đường làng, ngõ xóm trở nên huyên náo, tấp nập...

Đã từ lâu, chị Thủy sử dụng chiếc xe đạp cà tàng ngược xuôi nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Ảnh: Tùng Giang.

Tại đây, ai cũng biết đến gia cảnh của chị Đặng Thị Thủy.

Nhiều người trong làng chia sẻ, số phận người phụ nữ này thống khổ đến cùng cực.

Sau khi chồng mất vì tai nạn giao thông, một mình chị Thủy cáng đáng việc nhà, nuôi 3 con ăn học. Nhưng đồng lương công nhân ít ỏi khiến người mẹ trẻ luôn sống trong tình cảnh "giật gấu vá vai".

Sau giờ tan ca, trên chiếc xe đạp cà tàng, chị Thủy tất tả về nhà chuẩn bị bữa tối cho 3 con nhỏ. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thủy cho biết, hôm nay chị được về sớm do không phải làm thêm giờ, chị tranh thủ ghé qua khu chợ mua ít đồ chuẩn bị cho 3 đứa nhỏ ăn tối.

Từ ngày chồng mất vì tai nạn giao thông, một mình chị Thủy cáng đáng mọi việc. Ảnh: Tùng Giang.

Theo chị Thủy, vắng bóng mẹ, đi học về, 3 anh em lại dắt díu nhau nấu cơm, tắm giặt. Thương mẹ đi làm vất vả, 3 anh em lúc nào cũng ngoan. Những ngày chị phải tăng ca, đứa bé buồn nhớ mẹ lắm cũng chỉ dám rúc vào anh thủ thỉ.

"Thằng lớn sinh năm 2008 ngày bé nhút nhát, nhưng giờ cháu luôn điềm đạm, biết trông các em và biết động viên, nấu cơm thay mẹ, Chúng bảo nhau không khóc vì sợ mẹ buồn", chị Thủy rưng rưng.

Mỗi khi nhắc về chồng, chị Thủy lại buồn. Chị chia sẻ, chồng chị mất do tai nạn giao thông khi trên đường từ Khu Công nghiệp về, nay đã hơn 7 năm, trong khi chị đang mang bầu 2 bé gái. Giờ đây 2 cháu hơn 6 tuổi, khi nhìn di ảnh bố rồi hỏi mẹ: “Bố con đây phải không?”.

Chị Thủy cho biết, tết năm nay, cả lương và thưởng chị được 12 triệu đồng để lo cho các con.

Nhưng số tiền này cũng phải trích ra 1 phần trang trải khoản nợ tiền nhà mà bấy lâu nay chị vẫn chưa trả hết.

Giấc mơ trở thành sự thật

“Đời công nhân lấy đâu ra tiền xây nhà, nhưng nhờ mọi người giúp đỡ, động viên nhiều nên 4 mẹ con mới có được ngôi nhà này. Trong đó có sự hỗ trợ lớn từ Chương trình Mái ấm Công đoàn của LĐLĐ Thành phố Hà Nội. Có Mái ấm rồi phải cố gắng tích góp, trả xong khoản nợ 150 triệu đồng tiền xây nhà trước đó”, chị Thủy nói.

Với sự hỗ trợ, chia sẻ của người thân trong gia đình và các cơ quan đoàn thể, giờ đây, gia đình chị Thủy đã có một ngôi nhà mới khang trang hơn trước.

Cũng theo thời gian, nỗi đau mất chồng dần nguôi ngoai và chị Thủy trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng chị từ đó đến nay và nguy cơ ngày càng khó khăn đang dần hiện hữu, khi những đứa con của chị Thủy ngày một lớn, nhu cầu cho việc ăn, việc học tăng dần và khoản nợ tiền xây nhà không biết bao giờ chị mới trả được hết.

Với chị Thủy, căn nhà như một giấc mơ đã trở thành hiện thực. Ảnh: Tùng Giang.

Đón nhận món quà tết từ Quỹ Tấm lòng Vàng, chị Thủy đã xúc động chia sẻ, chị không bao nghĩ sẽ được ở trong ngôi nhà như ngày hôm nay, nó như là một giấc mơ và đồng thời chị cũng cảm ơn sự quan tâm của các cấp công đoàn tạo điều kiện để giúp gia đình chị vượt qua những khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống.

Tác giả: TÙNG GIANG - HÀ ANH

Nguồn tin: Báo Lao động

  Từ khóa: nữ công nhân , hoàn cảnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP