Đà Nẵng vừa kêu gọi đầu tư 7 dự án chiến lược, trong đó có dự án đáng chú ý là xây dựng tàu điện kết nối giữa Đà Nẵng với thành phố Hội An (Quảng Nam). Dự án có chiều dài khoảng 33km, với mức kinh phí 7.000 - 14.000 tỷ đồng, xuất phát từ một viện nghiên cứu của Hàn Quốc quan tâm và đưa ra ý tưởng, được TP cho tự do nghiên cứu.
Đà Nẵng kêu gọi đầu tư dự án tàu điện nghìn tỷ. Ảnh minh họa |
Bình luận về đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Mỹ - Công ty du lịch Lửa Việt bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương đầu tư, phát triển hạ tầng ngành du lịch, tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần thận trọng để bảo đảm tính hiệu quả của dự án.
Ông Mỹ phân tích, tàu điện là một loại hình hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường, nếu Đà Nẵng thực hiện được dự án này thì đây là điều kiện lý tưởng để phục vụ phát triển du lịch.
Vấn đề ông Mỹ lo ngại là vốn đầu tư cho loại hình vận tải này rất lớn, đặt trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện một dự án như vậy có thể sẽ khiến Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút, kêu gọi nguồn vốn đầu tư.
"Ý tưởng đã rất tốt rồi nhưng nếu thực hiện không tới, khiến dự án bị bỏ dở nửa chừng thì hệ quả rất nghiêm trọng", ông Mỹ lưu ý.
Ông Mỹ chỉ rõ, trung tâm du lịch của Việt Nam hiện được xác định là miền trung, trong đó có các tỉnh như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Thuận... là những tỉnh thuộc top đầu trong các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch.
Với tiềm năng như Đà Nẵng, việc đầu tư phát triển hạ tầng là rất cần thiết, nhưng phải thực hiện đồng bộ mới tạo sự kết nối, làm tăng tính hiệu quả cho dự án nói riêng cũng như ngành du lịch nói chung. Việc thực hiện đơn lẻ một dự án với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại không quan tâm tới hạ tầng vận chuyển kết nối khác như xe buýt, xe điện, các tuyến metro nối từ các điểm du lịch tới bến tàu điện, dự án không thể phát huy hiệu quả.
Chắc chắn không thể bắt du khách đi bộ, hay đi xe đạp ra bến tàu được. Do đó, xây dựng dự án còn phải tính tới sự kết nối đồng bộ mới khai thác hết được lợi thế cũng như tiềm năng từ dự án này.
Hơn nữa, trước khi phát triển một dịch vụ có chi phí rất cao cũng đồng nghĩa với việc người tham gia sử dụng dịch vụ này có thể sẽ phải chi trả một khoản phí lớn, rất đắt để được đi tàu điện. Ông Mỹ cho rằng, trước khi thực hiện dự án cần phải nâng tầm, nâng giá trị du lịch của các điểm du lịch tiềm năng lên một tầm nhất định. Nhất là trong dịch vụ, nếu chất lượng du lịch chưa cải thiện, hình ảnh ngành du lịch còn nhiều bất cập như móc túi, chèo kéo..., các điểm du lịch còn nghèo nàn, sơ sài... đã vội vã dựng lên một dự án hiện đại với một mức phí quá cao sẽ không có nhiều du khách sẵn sàng bỏ tiền để được đi tàu điện.
Tiếp tục phân tích, ông Nguyễn Văn Mỹ nói tiếp, ngoài Đà Nẵng, khu vực miền Trung còn 3 địa phương có tiềm năng phát triển du lịch lớn là Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Thuận... Vì thế, để ngành du lịch miền Trung thật sự phát triển cũng cần phải tạo sự kết nối, nâng tầm giá trị cho cả các tỉnh, địa phương này nữa để tránh tâm lý nhàm chán khi du khách chỉ đi đến một địa điểm.
Đề cập tới vấn đề vay vốn ODA hoặc PPP, ông Mỹ bày tỏ quan điểm không đồng tình vì lo ngại sẽ làm tăng nợ công.
"Nếu các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân có nguồn lực tài chính mạnh, muốn đầu tư phát triển dự án thì cần khuyến khích, nhưng nếu vay vốn ODA thì phải rất cân nhắc, tránh tình trạng lãng phí, thất thoát, không hiệu quả", chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch cảnh báo.
Ông Mỹ nói rõ, công tác giám sát, quản lý trong vay vốn ODA cũng như quá trình khai thác dự án sử dụng vốn ODA vẫn còn nhiều vấn đề khiến người dân nghi ngờ, vì thế, muốn thực hiện dự án, muốn dự án hiệu quả phải thực hiện tốt ngay từ đầu.
"Nhất định phải mở hội thảo rộng rãi để lấy ý kiến góp ý từ giới chuyên môn, cần đánh giá chi tiết, cụ thể tính hiệu quả cũng như những tác động dự án có thể mang lại cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, cũng phải cân nhắc thận trọng trong việc thu xếp nguồn vốn đầu tư", ông Mỹ nêu quan điểm.
Tác giả: Lam Nguyên
Nguồn tin: Đất Việt