Rời xí Nghiệp gạch ngói Rào Giang nghỉ hưu, ông Đinh Quang Chương và vợ là Nguyễn Thị Diên về quê ở Thôn Trung xã Thanh Lĩnh mua 5 sào đất đồi để làm nhà và làm vườn. Vón là người gắn bó, am hiểu vùng đất này ông đã bắt đầu làm vườn từ việc trồng tiêu, bưởi, hồng và một số loại cây ăn quả khác. Thời gian trôi đi vợ chồng ông nhận thấy hồng là loại cây ăn quả phù hợp nhất trên đất đồi. Được sự hỗ trợ kỹ thuật ông đã từng bước lai ghép thành công giống hồng Thạch Thất có ưu điểm là to quả với giống hồng địa phương có vị ngọt thơm và sức sống tốt thành một giống hồng mới. Với chất lượng thơm ngon, không hạt những quả hồng từ vườn nhà ông đã được thị trường ưa chuộng. Từ đó ông đã nhân mỗi năm bán ra hàng ngàn cây giống. Từ quả những cây giống gốc và cây được xuất bán đã tạo dựng nên thương hiêu “ hồng Ông Chương”, mỗi năm đưa lại cho gia đình ông hàng chục triệu đồng.
Anh Võ Văn Lành và ông Đinh Quang Chương chỉ là những ví dụ cụ thể về kết quả đầu tư và thu lợi từ vườn đồi. Là huyện miền núi có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu cùng với sự siêng năng cần cù, sáng tạo của nhân dân trên địa bàn huyện nên kinh tế vườn đã có bước phát triển vượt bậc. Theo thống kê của Hội làm vườn, toàn huyện đã có khoảng 20 000 hộ tiến hành cải tạo vườn tạp, mở rộng đất trồng đồi núi trọc làm kinh tế. Trong số các loại cây ăn quả nổi tiếng nhất là cây Cam Tổng đội (cam V2), cam Bù, cam Sen Cát Ngạn, cam Hương Sơn được trồng tại các Tổng đội TNXP và các xã liền kề trong vùng với tổng số khỏang 400 ha và nhiều hộ trồng Hồng, Thanh Long…rải rác ở tất cả các xã. Cùng với Cam thì cây Trám đen cũng là loại cây có giá trị: dễ trồng, ít sâu bệnh và hiệu quả kinh tế rất cao. Nét đáng chú ý là huyện đã xây dựng thành công dự án hàng năm đã tự ghép và nhân giống được 2000 – 3000 cây giống tốt để phục vụ nhân dân.
Sau nhiều năm phát triển kinh tế vườn đồi đã có nhiều vườn cây ăn quả có tổng doanh thu cao 400 – 500 triệu đồng/năm như vườn ông Lành ở Thanh Nho, Ông Thìn ở Thanh Đức và nhiều hộ dân ở tổng đội TNXP. Có một số vườn VAC tổng hợp đã cho tổng doanh thu trên dưới 1tỷ đồng/năm như anh Sơn ở xã Thanh Mỹ, Anh Lập ở xã Thanh Hương. Trong tổng số 355 trang trại đã có 33 trang trại đạt theo Thông tư 27/BNN của Bộ NN&PTNT. Bình quân tổng giá trị sản lượng hàng hóa hàng năm/lao động là 138,9 triệu đồng, bình quân giá trị sản lượng hàng năm là 392,4 triệu đồng/trang trại.
Để góp phần cải tạo vườn tạp, phát triển vườn đồi và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, trong thời gian qua huyện đã chỉ đạo Hội làm vườn tìm chọn cung ứng các loại giống như: mít Thái Lan, Đại táo, Thanh Long ruột đỏ, ổi Đài Loan… Đặc biệt là lập dự án để trồng tiếp 500 ha cam V2 và Cam xã Đoài ở các xã Thanh Đức , Hạnh Lâm, Thanh Thủy, Thanh Nho và Thanh Hòa là các địa phương có quỹ đất vườn đồi đồi dào, đã trồng thành công các loại cam; trồng 200 ha Bưởi Diễn ở các xã Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Phong và Thanh Ngọc. Tại kỳ họp thứ 2 vừa qua HĐND huyện Thanh Chương đã ra Nghị quyết về “hỗ trợ cơ chế chính sách đầu tư phát triển cây cam V2, cam Xã Đoài và cây Bưởi Diễn”. Theo đó, với cây cam “ngoài định mức hỗ trợ theo Quyết định 09/ 2016 QĐ- UBND ngày 18/1/ 2016 của UBND tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ với mức 10 000 đồng/ cây đối với các hộ trồng cam trong vùng quy hoạch với diện tích tối thiểu trồng tập trung từ 1000 m2 trở lên. Hỗ trợ 20 000 /cây giống và kinh phí làm đất trồng mới 5 triệu đồng/ ha đối với các hộ trồng bưởi diễn trong vùng quy hoạch với diện tích tối thiểu trồng tập trung từ 1000 m2 trở lên”…
Để trang bị và cung cấp thêm các kiến thức về KHTK cho các hội viên trong phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua UBND huyện Thanh Chương đã chỉ đạo Hội làm vườn huyện phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Giống Chăn nuôi, Trạm Thú y huyện, Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể tổ chức được gần 500 lớp tập huấn KHKT với hàng chục ngàn lượt người tham gia. Từ tự phát việc cải tạo phát triển kinh tế vườn đối đã có tính tổ chức, định hướng.
Tuy nhiên để tận dụng và phát huy hết các tiềm năng, lợi thế của địa phương huyện Thanh chương đang còn nhiều việc phải làm. Trong thời gian tới Huyện ủy, UBND huyện sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, có các cơ chế chính sách để hỗ trợ để phát triển các mô hình, các loại cây con, xây dựng các thương hiệu để đưa kinh tế vườn đồi trở thành một nguồn thu nhập chính, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Tác giả bài viết: Trần Đình Hà