Kinh tế

Tập đoàn Than-Khoáng sản nói gì về kết luận sai phạm gần 15.000 tỷ đồng?

Chiều 4/1, đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã lên tiếng giải thích về kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng TKV sai phạm gần 15.000 tỷ đồng đang gây ồn ào dư luận. TKV không phủ nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng do 2 bên đang tiếp cận cách khác nhau.

Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng ban Thanh tra Pháp chế, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam trả lời tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 4/1 (Ảnh: Thế Kha).

Được lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) uỷ quyền trả lời báo chí, bà Đặng Thị Tuyết - Trưởng ban Thanh tra Pháp chế cho biết, do có nhiều ý kiến khác nhau nên cuối tháng 12/2017 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chủ trì cuộc họp về kết luận của Thanh tra Chính phủ, có sự tham gia của Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thuế.

“Đến nay Thanh tra Chính phủ chưa tổ chức công bố kết luận thanh tra tại tập đoàn. TKV không có sai phạm với số tiền lớn lên đến 15.000 tỷ đồng”- bà Tuyết khẳng định.

Số tiền được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ là 14.882,409 tỷ đồng, theo bà Tuyết là “cần kiến nghị xử lý”, chứ chưa kết luận là “sai phạm” đối với toàn bộ số tiền này. Trong số tiền này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã giao cho các bộ ngành và TKV xử lý.

Cụ thể là chuyển Bộ Công Thương chủ trì xử lý trên 8.320 tỷ đồng; TKV chủ trì xử lý gần 4.565 tỷ đồng; Bộ Tài chính chủ trì xử lý gần 124 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 1.872 tỷ đồng.

Theo bà Tuyết, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ nêu rõ việc thực hiện của TKV có cơ sở, đề nghị cơ quan thanh tra không kiến nghị xử lý số tiền gần 124 tỷ đồng. Đối với kiến nghị thu hồi về ngân sách trên 1.872 tỷ đồng, bà Tuyết khẳng định Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị tăng thu thuế tài nguyên không có cơ sở do xác định không đúng đối tượng nộp thuế và giá tính thuế. TKV đã kê khai và nộp thuế tài nguyên theo đúng Luật Thuế tài nguyên và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Hơn nữa, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Thanh tra Chính phủ nêu rõ cách xác định thuế tài nguyên của TKV phù hợp quy định…

Đại diện TKV cho biết, sau khi có kết luận thanh tra, Ban Thường vụ Đảng uỷ TKV đã ban hành nghị quyết về việc thực hiện Kết luận thanh tra số 2810/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ; giao Tổng giám đốc TKV chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung và báo cáo giải trình những vấn đề chưa đồng thuận, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Đối với những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ có cơ sở pháp lý và phù hợp với thực tiễn nêu trong kết luận, tập thể Hội đồng thành viên, ban lãnh đạo TKV đã nghiêm túc nhận trách nhiệm và chịu mọi hình thức xử lý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Đối với các nội dung chưa đồng thuận trong kết luận thanh tra, TKV đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét, có ý kiến về Kết luận thanh tra số 2810 của Thanh tra Chính phủ. Hiện nay các Bộ đang xử lý theo thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

“Như vậy có thể hiểu rằng TKV phản đối toàn bộ những nội dung cơ bản nhất được Thanh tra Chính phủ nêu trong kết luận thanh tra?. Theo TKV, đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ có làm việc khách quan suốt 2 năm qua hay không?. Tại sao đến nay vẫn còn nhiều nội dung tranh cãi như vậy?”- PV Dân trí đặt câu hỏi.

Bà Đặng Thị Tuyết trả lời: “TKV chỉ giải thích sự hiểu chưa đúng, do 2 bên đang tiếp cận cách khác nhau, cách hiểu chưa đúng về các quy định mà thôi. TKV không phủ nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ. Vì thế nên cần được làm rõ ý kiến còn khác nhau giữa Thanh tra Chính phủ, TKV và các bộ ngành”.

Bà Tuyết nhấn mạnh, chính vì còn có những quan điểm chưa thống nhất nên thời gian thanh tra kéo dài, hơn 2 năm sau khi công bố thanh tra mới có kết luận chính thức.

Trụ sở Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam.

Trước đó như Dân trí đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ kết luận Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc TKV đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền…

Hậu quả là một số khoản đầu tư không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn với giá trị rất lớn. Cụ thể, Công ty liên doanh Công nghiệp kẽm Việt Thái lỗ trên 297 triệu đồng, mất hết vốn chủ sở hữu và nợ Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên 24,6 tỷ đồng; xác nhận bảo lãnh vượt thẩm quyền, dẫn đến Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên phải có trách nhiệm xử lý khoản nợ phải trả cho Ngân hàng Eximbank Thái Lan cả gốc và lãi trên 13.785.678 USD. Tại Công ty CP Crômmit Cổ Định (Thanh Hoá), TKV quyết định, thực hiện đầu tư gần 437 tỷ đồng khi chưa đủ điều kiện cần thiết, chưa được gia hạn giấy phép khai thác quặng, lỗ luỹ kế đến 30/6/2015 là 113,5 tỷ đồng. Ngoài ra, việc góp trên 870 tỷ đồng tại Công ty CP Sắt Thạch Khê thiếu sự khảo sát, tính toán về các điều kiện cần thiết và hiệu quả đầu tư, dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, lãng phí...

Kết luận thanh tra chỉ rõ một số khoản đầu tư ra nước ngoài nhưng không được TKV thực hiện điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án và quyết định đầu tư phù hợp với thực tế và quy định dẫn tới lỗ, mất vốn trên 380,8 tỷ đồng.

Tổng số tiền và đất đai được phát hiện cần kiến nghị xử lý lên tới trên 14.882,4 tỷ đồng và gần 6,7 triệu m2 nhà, đất. Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự tới Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP