Kinh tế

Tăng 9.700 tỷ đồng trong ngày làm việc đầu năm và cách ông Phạm Nhật Vượng nghĩ về tiền

Cổ phiếu VIC của Vingroup diễn biến tích cực trong phiên giao dịch đầu tiên của năm Kỷ Hợi không những đã góp phần giúp VN-Index bật tăng mạnh mẽ hơn 17 điểm mà còn đưa tài sản của ông Phạm Nhật Vượng – người giàu nhất Việt Nam, tăng thêm tới 9.700 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC của tập đoàn Vingroup trong ngày giao dịch đầu tiên của năm Kỷ Hợi (11/2/2019) diễn ra thuận lợi với mức tăng mạnh 5.200 đồng tương ứng tăng tới 5,3% lên 104.000 đồng, qua đó lấy lại toàn bộ những gì đã đánh mất trong phiên cuối cùng của năm Mậu Tuất (1/2).

Ở mức giá này, cổ phiếu VIC ghi nhận mức tăng 2,56% trong 1 tháng giao dịch và tăng gần 8,5% trong 3 tháng qua. So với đáy hơn 69.000 đồng của cổ phiếu này thiết lập ngày 12/2/2018, hiện tại VIC đã tăng giá 39.354 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 60,88%.

Đây đang là mã chứng khoán có vốn hoá lớn nhất thị trường hiện nay với quy mô vốn hoá lên tới 331.928 tỷ đồng, bỏ xa VHM của Vinhomes, VNM của Vinamilk và VCB của Vietcombank.

Ông Phạm Nhật Vượng trong nhiều năm liền được ghi nhận là người giàu nhất Việt Nam

Với diễn biến tích cực của giá cổ phiếu VIC trong ngày giao dịch đầu năm mới, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng – người giàu nhất Việt Nam hiện nay, đã tăng xấp xỉ 9.700 tỷ đồng.

Trong một lần chia sẻ hiếm hoi với báo chí gần đây, ông Vương nói: “Ngày xưa là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đầu tiên khi đi làm là muốn kiếm tiền giúp bố mẹ đỡ nghèo đỡ khổ. Sau này có tí tiền lên thì để mình sống một cách thoải mái sung túc, vợ con đề huề. Dần dần lớn lên nữa thì công việc là đam mê. Và đến giờ, mục tiêu cuối cùng là làm được cái gì đó cho đời”.

Tập đoàn này vừa khép lại một kỳ kinh doanh khá ấn tượng với tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý IV/2018 lên tới 38.427 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.989 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.766 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2018, Vingroup đạt 122.575 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 37% so với 2017, vượt kế hoạch đề ra; lãi trước thuế 13.814 tỷ đồng, tăng 52% và lãi sau thuế 6.061 tỷ đồng, tăng 7%.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch đầu năm, các chỉ số đều bật tăng mạnh mẽ: VN-Index tăng 17,43 điểm tương ứng 1,92% lên 926.100 đồng. HNX-Index tăng 1,91 điểm tương ứng 1,85% lên 105,25 điểm; UPCoM-Index tăng 0,8 điểm tương ứng 1,47% lên 55,61 điểm.

Số mã tăng giá trên thị trường áp đảo hoàn toàn so với số mã giảm. Cụ thể, trên toàn thị trường có 417 mã tăng giá, 50 mã tăng trần so với 180 mã giảm, 24 mã giảm sàn.

Tuy vậy, xét về thanh khoản thì dòng tiền vẫn chưa cho thấy sự bứt phá đáng kể. Trên HSX có 124,64 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.924 tỷ đồng và trên HNX là 31,74 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 357,76 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch tại UPCoM khiêm tốn ở mức 5,15 triệu cổ phiếu tương ứng 116,64 tỷ đồng.

VIC chính là mã có đóng góp lớn nhất cho chỉ số. Mức tăng giá mạnh tại mã này đã đẩy VN-Index tăng tới 5,05 điểm, trong khi đó, VCB cũng đóng góp tới hơn 1,8 điểm; GAS đóng góp 1,46 điểm, VNM đóng góp 1,06 điểm, HPG đóng góp 1,03 điểm… cho chỉ số chung.

Trên sàn HNX, chỉ số chính cũng nhận được sự đồng thuận từ những mã lớn như ACB, SHB, VGC, PVS… Riêng ACB đã góp vào mức tăng chung của chỉ số sàn Hà Nội 0,84 điểm; SHB đóng góp 0,42 điểm.

Những mã đi ngược dòng thị trường phiên đầu năm là BHN, VHM, TCB, YEG, NBB trên sàn HSX và PVX, SHN, HUT… trên sàn Hà Nội.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán SHS, đà tăng của thị trường có thể còn được duy trì trong 1-2 phiên nữa trước khi vấp phải những rung lắc do áp lực bán trong các phiên cuối tuần.

Yếu tố thanh khoản sẽ cần được quan sát trong các phiên tiếp theo và nếu nền tảng thanh khoản vẫn được duy trì trên mức trung bình 20 phiên thì đà tăng của thị trường được kỳ vọng sẽ được tiếp tục với ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo quanh 955 điểm; chiều ngược lại, thanh khoản yếu sẽ là một dấu hiệu đáng lo ngại.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP