Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan Tp.HCM) vừa ký quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Quyết định cưỡng chế được ban hành theo đề nghị của Cục Thuế Tp.HCM. Theo đó, Tân Hoàng Minh nợ thuế nội địa chây ỳ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với tổng số tiền trên 174,6 tỷ đồng.
Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 8/9. Quyết định chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách Nhà nước.
Không chỉ có đơn vị này thuộc "hệ sinh thái" của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị công khai danh sách nợ thuế mà trước đó, Cục Thuế Hà Nội cũng công khai hơn 1.000 doanh nghiệp nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất với tổng giá trị hơn 1.420 tỷ đồng (kỳ khóa sổ ngày 28/2). Trong danh sách này có hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng với khoản nợ hơn 177 tỷ đồng - thuộc vào diện doanh nghiệp nợ lớn nhất đợt này.
Cụ thể, Công ty Soleil nợ hơn 846 triệu đồng tiền sử dụng đất và 147,2 tỷ đồng nợ thuế, phí. Trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4, công ty này mới tiến hành nộp gần 15 tỷ đồng tiền nợ thuế, ngày 14/4, phí và nợ vẫn còn khoảng 132,3 tỷ đồng.
Trong đó, khoản nợ thuế phí lớn nhất là 73 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản, trên 35 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, hơn 16 tỷ đồng vì chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...
Còn Công ty Cung Điện Mùa Đông nợ 50,6 tỷ đồng tiền thuế, phí, trong đó số nợ cao nhất trên 37 tỷ đồng từ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại TPHCM do chây ỳ nợ thuế 174,6 tỷ đồng. |
Hồi giữa tháng 7, Tân Hoàng Minh cũng cho biết đã tìm được đối tác để chuyển nhượng dự án Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, đại diện Tân Hoàng Minh là ông Vũ Đình Luyện từ chối cung cấp thêm thông tin liên quan đến đối tác nhận chuyển nhượng cũng như lộ trình chuyển nhượng dự án này.
Ông Luyện cũng thông tin Tân Hoàng Minh có 5 dự án đủ điều kiện về pháp lý có thể rao bán, nhằm thu xếp nguồn tiền trả nhà đầu tư, gồm 2 dự án ở Phú Quốc, dự án Nguyễn Thị Minh Khai (Tp.HCM), dự án Việt Tiến và dự án Ngọc Hồi (Hà Nội).
Về việc Tân Hoàng Minh nộp tiền vào tài khoản C03 song nhà đầu tư trái phiếu vẫn không nhận được tiền, ông Luyện cũng cho biết phía C03 đã nỗ lực và khẩn trương trong dự án này, dù khối lượng công việc nhiều và thiếu nhân sự.
"Để không làm ảnh hưởng tới quá trình điều tra, quá trình thu hồi tiền, chúng tôi không có thông tin đầy đủ về tiến trình, tỉ lệ thu hồi, chi trả tiền. Các nội dung này nhà đầu tư làm việc trực tiếp với C03 để có thông tin chính xác", ông Luyện nói.
Tập đoàn này khẳng định sẽ tăng cường việc thu hồi các khoản tiền có liên quan đến trái phiếu. Theo kỳ vọng, tổng số tiền thu hồi trên tổng dư nợ của 9 đợt phát hành trái phiếu đã bị hủy bỏ (đã bao gồm các khoản thu hồi trước đó) đến hết tháng 6 dự kiến đạt 15-20% và đến cuối tháng 7 kỳ vọng đạt khoảng 50-60%. Ông Vũ Đình Luyện cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Tân Hoàng Minh vẫn giữ nguyên kế hoạch đặt ra.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, tại các buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán đã tiếp nhận đầy đủ các ý kiến, đề xuất của các nhà đầu tư trái phiếu tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ngoài ra, các đơn vị cũng nhận được các đơn kiến nghị của các nhà đầu tư liên quan đến việc hoàn trả tiền mua trái phiếu.
Bộ Tài chính thông tin, Ủy ban chứng khoán đã chuyển các đơn này đến Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tác giả: Trần Thu Thảo
Nguồn tin: nguoiduatin.vn