Mới đây, một vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại Công ty TNHH Lode Star (thị xã Tân Uyên, Bình Dương). Gần 400 công nhân được đưa tới các cơ sở y tế để khám và theo dõi sức khỏe.
Mua thực phẩm rẻ tiền vì tiền ăn thấp
Sau khi vụ việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Bình Dương phối hợp với cơ quan chức năng điều tra. Kết quả ghi nhận suất cơm cho mỗi công nhân chỉ 12.000 đồng.
“12.000 đồng cho mỗi suất ăn thì hơi thấp. Nếu số tiền cho mỗi phần cơm cao hơn thì đơn vị nấu ăn sẽ chọn mua thực phẩm an toàn, nguy cơ ngộ độc khó xảy ra” - ông Trần Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương, nêu quan điểm.
Bà H., chủ cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp ở TP.HCM, phân tích: “Suất ăn 12.000 đồng, cơ sở phải trích 10% (1.200 đồng) thuế giá trị gia tăng. Chưa hết, cơ sở còn phải trích 10% cho người ký hợp đồng. Vị chi chỉ còn 9.600 đồng.
Đâu chỉ vậy, cơ sở còn phải trả đủ thứ tiền như lương công nhân, điện, nước, gas, vận chuyển, khấu hao dụng cụ… Cuối cùng, mỗi suất ăn thực tế chỉ còn độ 7.000 đồng. Đã vậy còn phải trừ 1.000 đồng tiền gạo nên mỗi phần cơm chỉ còn 6.000 đồng. Với số tiền ít ỏi như vậy buộc cơ sở phải mua thực phẩm rẻ tiền”.
Tương tự, ông T. (chủ cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp ở TP.HCM) cho rằng suất ăn chỉ còn 6.000 đồng thì buộc nhà bếp hoặc cơ sở cung cấp suất ăn sẵn mua thịt, cá lúc chợ sắp tan, mua rau bán dọc đường…
Suất ăn có giá thành hợp lý thì công nhân mới được sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe. Ảnh: HỮU LUẬN |
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao
Tại TP.HCM, ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết kết quả khảo sát do đơn vị này thực hiện trước đây ghi nhận mỗi suất ăn bình quân của công nhân trong các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn TP chỉ từ 10.000 đến 13.000 đồng.
“Do tiền ăn ít ỏi, lại chịu nhiều chi phí nên nhà bếp hoặc cơ sở nấu ăn sẵn lựa mua thực phẩm rẻ tiền, thiếu an toàn. Điều này đồng nghĩa với việc suất ăn càng ít tiền thì nguy cơ ngộ độc xảy ra càng cao” - bà Mai cho biết thêm.
Hiện công ty tôi hợp đồng với một cơ sở suất ăn nấu sẵn cung cấp mỗi phần cơm là 13.000 đồng. Thực tình mà nói, bữa ăn chỉ lèo tèo vài miếng thịt mỏng dính hoặc khứa cá bằng hai ngón tay, kèm ít cọng rau xào hoặc luộc và phần canh lõng bõng. Không ít lần thịt và cá có mùi. Nhiều lúc tôi và đồng nghiệp nuốt không vô mặc dù rất đói. Chúng tôi nhiều lần đề nghị công ty tăng tiền suất ăn nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Anh TVH (công nhân trong Khu công nghiệp Tân Thuận, |
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, cho biết hiện nay việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.
“Do khống chế giá thành nên các cơ sở cung cấp suất ăn đã chọn mua nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn TP.HCM vẫn tồn tại” - ông Năng nói.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, đề nghị các doanh nghiệp trong khu chế xuất và khu công nghiệp đóng trong địa bàn TP nên quan tâm đến chất lượng bữa ăn để đảm bảo sức khỏe cho công nhân.
“Tiền ăn càng ít thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao. Do vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm đến tiền ăn cho công nhân. Suất ăn có giá thành cao thì công nhân được sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe. Từ đó nâng cao năng suất lao động, doanh nghiệp sẽ được lợi” - bà Lan nêu quan điểm.
Mới đây, Ban quản lý ATTP, Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp cùng Liên đoàn Lao động TP.HCM ký kết quy chế phối hợp đảm bảo ATTP trong khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2019. Nội dung phối hợp bao gồm tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP, đảm bảo các bếp ăn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATTP. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai mô hình cung cấp thực phẩm an toàn cho công nhân và tạo điều kiện kết nối cung cầu, đưa thực phẩm sạch đến với bếp ăn trong khu chế xuất và khu công nghiệp… |
Tác giả: Trần Ngọc
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM