"Hãy để cho máu trong cơ thể tôi phun trào và nhuốm đỏ nền trời Liverpool. Tôi yêu Liverpool với một tình yêu cháy bỏng. Sự quyết tâm đạt tới đỉnh cao tại Anfield của tôi càng tăng lên sau cái chết của Jon-Paul". Đấy là những lời mà Gerrard đã nói trong cuốn tự truyện “My Autobiography” của anh xuất bản vào năm 2006, cuốn sách đã đạt giải “Cuốn sách thể thao của năm” trong lễ trao giải sách hay tại Anh năm 2006.
Jon-Paul là tên người anh họ của Gerrard, nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong 96 nạn nhân đã không bao giờ tỉnh dậy ở thảm họa Hillsborough xảy ra vào ngày 15/4/1989, trong trận đấu giữa Sheffield và Liverpool. Hillsborough đã lấy đi của Liverpool một thiên thần nhỏ chỉ mới 10 tuổi (Jon-Paul), nhưng lại gieo vào lòng một cậu bé 9 tuổi khác (Steven Gerrard) niềm khao khát phải làm điều gì đó cho đội bóng, động lực tạo nên một huyền thoại vĩ đại của Anfield.
Jon-Paul là tên người anh họ của Gerrard, nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong 96 nạn nhân đã không bao giờ tỉnh dậy ở thảm họa Hillsborough xảy ra vào ngày 15/4/1989, trong trận đấu giữa Sheffield và Liverpool. Hillsborough đã lấy đi của Liverpool một thiên thần nhỏ chỉ mới 10 tuổi (Jon-Paul), nhưng lại gieo vào lòng một cậu bé 9 tuổi khác (Steven Gerrard) niềm khao khát phải làm điều gì đó cho đội bóng, động lực tạo nên một huyền thoại vĩ đại của Anfield.
Tình yêu lớn mà Gerrard giành cho Liverpool xuất phát từ truyền thống gia đình và một bi kịch với người anh họ của anh.
CLB Liverpool chính là một tôn giáo của gia đình Gerrard, còn cái chết của Jon-Paul là dòng kinh cầu nguyện của tôn giáo ấy bên trong người Gerrard. Trên con đường đi tới sân tập của Liverpool, chiếc xe của Gerrard luôn chầm chậm khi đi ngang đài tưởng niệm Hillsborough. Anh dừng mắt ở vị trí có cái tên Jon-Paul Gilhooley trên bia tưởng niệm, ra dấu chữ thập rồi lặng lẽ lái xe đi tiếp.
Gerrard, với tình yêu Liverpool vô bờ, hiểu rằng thảm họa Hillsborough không chỉ lấy đi của anh một người anh họ. Biến cố ấy còn gieo vào anh và hàng triệu fan Liverpool một nỗi oan khuất kéo dài tới 23 năm, lấy đi của họ nhiều danh hiệu xứng đáng được nhận. Và anh, Steven Gerrard, đội trưởng, người xếp thứ hai trong 100 cầu thủ hay nhất lịch sử của Liverpool, tự thấy bản thân cần gánh trên vai trách nhiệm phải đem về cho đội bóng chức vô địch nước Anh. Đó sẽ là ngày mà những nỗi đau, sự oan khuất, nỗi tủi hổ lùi ra phía sau, nhường chỗ vinh quang và nụ cười Liverpool đứng trên đỉnh nước Anh.
Xin đừng thắc mắc vì sao Gerrard đã khóc ở vòng đấu 34 mùa 2013-2014, sau chiến thắng 3-2 quyết định trước Man City. Đó là khi anh nhìn thấy danh hiệu vô địch chỉ còn cách vài ba bước chân. Đó là khi ước mơ thời thơ ấu của anh sắp thành hiện thực, và Jon-Paul sẽ ngậm cười nơi chín suối. Nhưng khi chỉ còn bốn nấc thang nữa để lên thiên đường, Gerrard lại ngã ở nấc thang thứ hai trong cú trượt chân tai hại (xem video) ở trận đấu với Chelsea vòng 36.
Bi kịch của cuộc đời Gerrard nằm ở cú ngã khiến anh không thể cùng Liverpool bước lên thiên đường - ngôi vô địch Ngoại hạng Anh.
Nếu như nhà soạn kịch vĩ đại người Anh William Shakespeare sống lại để viết một vở bi kịch dành riêng cho bóng đá, thì còn chất liệu nào tuyệt vời hơn chính câu chuyện Steven Gerrard bên mối tình Liverpool. Một cầu thủ đi lên bằng tình yêu và nỗi đau với Liverpool, đã cống hiến miệt mài suốt 17 năm thi đấu, đá hơn 500 trận và ghi 120 bàn thắng, chỉ để tìm cho đội bóng anh yêu quý một danh hiệu vô địch nước Anh, thế mà kết cục lại theo gió bay đi.
Còn gì dang dở hơn cho một câu chuyện đáng lẽ sẽ đẹp như tiểu thuyết, khi Gerrard gần như đã chiến đấu với lời cầu nguyện bên tấm bia đá tưởng niệm ở Shankly Gates? Thế mà chẳng những không có một nụ cười, anh còn nhận về sự chua chát và tiếng chế giễu sau cú trượt chân ngàn năm không gột rửa nổi.
Istanbul, ngày 25/5/2005, phút 54 trận chung kết Champions League, AC Milan - Liverpool, Milan đang dẫn 3-0 nhờ cú đúp của Hernan Crespo và một bàn của Paolo Maldini. Gần như tất cả đều nghĩ trận đấu đã an bài, nhưng Gerrard thì không. Anh bật cao đánh đầu hạ gục Dida, rút ngắn tỷ số còn 1-3. Sau đó, Gerrard mừng bàn thắng bằng động tác nghiến chặt răng, hai tay dang rộng, khí thế rần rật kêu gào tất cả đồng đội không được đầu hàng (xem video).
Hưởng ứng cử chỉ hiệu triệu đó, chỉ trong sáu phút, từ 54 đến 60, sân Istanbul chứng kiến một điều không tưởng khi Liverpool gỡ hòa 3-3. Tinh thần của Milan sụp đổ, họ gục ngã ở loạt luân lưu và nhìn Liverpool đăng quang (xem video).
HLV Liverpool khi ấy là Rafael Benitez tâm sự: "Đêm Istanbul huyền diệu sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu không có Gerrard".
Màn ngược dòng kinh điển để lên ngôi vô địch Champions League 2005 là mốc son chói lọi duy nhất trong sự nghiệm dở dang của Gerrard.
Suốt gần 20 năm anh thi đấu chuyên nghiệp, Gerrard tuyệt vời nhất chính ở trận đấu đó, và chiếc Cup danh giá Champions League là niềm an ủi lớn nhất cho sự dang dở trên xứ sương mù của chàng trai luôn chạy vội vàng chỉ để kiềm lấp sự sợ hãi, để kiếm tìm chiến thắng cho màu áo mà anh sẵn sàng đổ máu để nhuốm đỏ. Gerrard thi đấu bằng cảm xúc, và chiến thắng trên sự thăng hoa, thất bại tiếc nuối cũng bởi cảm xúc.
Hôm qua, Gerrard nói lời giã từ sự nghiệp. Đấy là lúc sân cỏ thế giới chính thức không còn thấy Steven Gerrard nữa. Trong ngày chia tay, anh dành lời cảm ơn cho tất cả những nơi anh đã đi qua, cho những người đã trao cho anh niềm tin, và những người hâm mộ. Đáp lại, trên Twitter, đồng đội một thời Xabi Alonso đăng ảnh Gerrard lên, và viết một dòng nhỏ, ngắn mà rất đủ ý: "Mãi là huyền thoại".
Tác giả bài viết: Dũng Phan
Nguồn tin: