|
Lúc trước, mọi người hay bảo từ đèo Hải Vân nhìn về thành phố Đà Nẵng rất đẹp. Tôi đã thử không ít lần nhưng thực tế thì đèo Hải Vân ở khá xa thành phố, và bạn cần có ống nhòm để ngắm được rõ hơn. Bán đảo Sơn Trà có độ cao 693 m so với mực nước biển, ngay sát vách Đà Nẵng mới là nơi lý tưởng nhất để ngắm khung cảnh Đà thành từ trên cao, chẳng cần phải nhờ đến ống nhòm hay ngắm qua ống kính tele của máy ảnh.
Nơi để ngắm thành phố từ trên cao
Cũng dễ hiểu vì sao bạn bè tôi sau nhiều lần đến xem bắn pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng, kỳ tới quyết định đổi tầm nhìn, lên núi khỉ dã ngoại tối. Kế hoạch là bày biện ăn uống chờ pháo hoa từ tầm nhìn của núi này.
Sơn Trà có khá nhiều điểm để ngắm thành phố. Một điểm là hướng đi từ cảng Tiên Sa lên núi, đến ngã 3 đường có hướng rẽ phải xuống khu biệt thự. Nơi đây có thể nhìn gần toàn cảnh cảng Tiên Sa, một góc Đà Nẵng và vịnh Đà Nẵng. Nơi thứ hai là chùa Linh Ứng - Bãi Bụt. Nếu bạn muốn có một không gian khác, gợi vẻ riêng một góc trời hơn thì khu vực bãi đỗ của sân bay trực thăng Mỹ ngày xưa là một gợi ý khó chê. Một vùng trời núi như chỉ riêng mình. Điều này càng thú vị hơn khi bạn có ý định hạ lều cắm trại qua đêm nơi này.
Tuy nhiên, nơi để ngắm được bao quát toàn cảnh núi rừng và thành phố lẫn vịnh biển Đà Nẵng là đỉnh Bàn Cờ. Đây cũng là nơi được cho là cao nhất của núi Sơn Trà. Nếu may mắn leo núi mùa hè đúng những hôm trời trong khi bị mây hay sương mù bao phủ, bạn sẽ thấy rõ mồn một cảnh đất trời, sông núi và biển hòa vào nhau ôm lấy thành phố đáng yêu này.
Sơn Trà nơi rừng kề bên phố1
Cầu treo cho khỉ |
Với hơn 35 cây số đường rừng, Sơn Trà không chỉ có cây xanh của đại ngàn. Kích thích sự tò mò cho bước chân du khách còn có hải đăng Tiên Sa nổi tiếng từ thế kỷ trước, có sân bay trực thăng dã chiến, 2 trạm rada gồm 3 chóp màu trắng trứ danh.
Những cụm này, đứng bất cứ nơi đâu ở Đà Nẵng cũng đều có thể nhìn thấy và chúng vẫn là sự tò mò bí ẩn với cư dân thành phố biển. 2 trạm rada này được người Mỹ xây dựng từ năm 1965, từng được xem là “mắt thần Đông Dương” vì tầm quan sát có thể ra tới Hà Nội, đảo Hải Nam, sang đến tận Philippines, Bangkok.
Đỉnh bàn cờ, ẢNH: LÊ MINH HẠ |
Cây cầu treo dành cho khỉ
Theo chân bạn đồng hành, từ hướng cảng Tiên Sa lên đến nhà dừng chân nơi khu vực của rada “mắt thần Đông Dương”, tới ngã 3, thay vì rẽ phải heo hướng ra sân bay trực thăng để tiếp tục hành trình ôm quanh núi quen thuộc, tôi lại rẽ trái. Đó là đường đi xuống cảng Tiên Sa từ trên đỉnh Sơn Trà. Có tấm bảng chỉ dẫn nho nhỏ “Tiên Sa 6 km”.
Thế là men theo dốc với con đường uốn lượn giữa rừng, tôi đi dần xuống để thấy thấp thoáng bóng dáng những đốm màu vàng nâu quen thuộc đang chuyển động trong rừng. Trên đoạn đường này, thi thoảng lại thấy mấy cây cầu treo vắt vẻo ở độ cao chừng 4-5 m, bắc ngang đường, hệt như mấy cầu treo dã chiến mini được làm bằng sợi dây thừng. Hỏi thăm mới biết, đây là cầu chuyên dụng dành cho các chú khỉ ở rừng này.
Lý do là khi con đường đông đúc hơn xưa, xe cộ du khách qua lại nhiều hơn, sự ồn ã dễ làm kinh động những chú khỉ quen không khí núi rừng và con đường vô tình trở thành lối chia cắt đường đi của chúng. Vì vậy, người ta đã nghĩ ra cách này để đảm bảo giao thông của con người thông suốt và khỉ cũng… thông suốt.
Nhìn những cây cầu ngộ nghĩnh, tôi thấy thú vị và thầm cảm ơn những người đã nghĩ ra sáng kiến này, nhưng cũng gợn lên một chút băn khoăn. Rõ ràng Sơn Trà rất hấp dẫn và đang tiếp tục hứa hẹn thu hút khách đến mỗi lúc một nhiều, nhưng cây cầu cho khỉ cũng cho thấy môi trường sống tự nhiên của loài vật trứ danh xứ núi này đang bị xâm lấn mỗi lúc một nhiều, ngay tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Tác giả: Lê Minh Hạ
Nguồn tin: Báo Thanh niên