Kinh tế

Số phận đồng hồ Thụy Sĩ sau giằng co giữa 'kiêu hãnh và thực tế'

Thay vì quy định 80% nguyên liệu và gia công nội địa, lựa chọn mức 60% của đồng hồ Thụy Sĩ đã giúp ngành này được phục hồi.

Ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sĩ hầu như đã dừng tăng trưởng trong giai đoạn 2011 đến 2014. Năm 2016, ngành đồng hồ tiếp tục giảm số lượng lẫn doanh số xuất khẩu đồng hồ. Doanh số năm đó dừng ở mức 19,4 tỷ franc Thụy Sĩ (CHF), giảm 9.9% so với 2015, và giảm đến 12,8% so với năm 2014.

Nhưng trong năm 2017, giá trị xuất khẩu đồng hồ Thuỵ Sĩ tăng 2,9%, trong khi số lượng thấp hơn năm 2016 là 4,3%.

Nguyên nhân của diễn biến này là bởi đạo luật Swiss Made có tác động tích cực một cách mạnh mẽ. Năm 2017, đạo luật Swiss Made chính thức có hiệu lực. Trong đó, nội dung quan trọng là quy định đồng hồ Thuỵ Sĩ được gắn nhãn “Swiss Made” phải có 60% quy trình lẫn vật liệu được sản xuất tại nước này.

Để ra đời, đạo luật đã phải trải qua 10 năm tranh cãi giữa 80% hay 60% vật liệu và quy trình làm đồng hồ tại Thụy Sĩ để gắn nhãn “Swiss Made”. Nhiều người cho rằng, đó là sự giằng co giữa niềm kiêu hãnh và thực tế. Tuy nhiên, việc chốt lại con sô 60% đã giúp ngành công nghiệp đồng hồ nước này phục hồi.

Doanh thu xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ qua các năm gần đây.

Swiss Made tác động đến các thương hiệu tập trung sản xuất ra những chiếc đồng hồ trong phân khúc giá từ 500 đến 3000 CHF (11 triệu đến 65 triệu đồng) nhiều hơn. Số lượng đồng hồ Thuỵ Sĩ giá dưới 200 CHF (5 triệu đồng) không nhiều biến đổi.

Trong báo cáo tháng 1/2018 của Hiệp hội đồng hồ Thuỵ Sĩ (FH), đồng hồ nước này giá dưới 200 CHF được sản xuất hạn chế. Dù số lượng đồng hồ Thuỵ Sĩ giá rẻ được xuất khẩu trong năm 2017 có tăng so với 2016, nhưng nó vẫn nằm trong mức tăng trưởng âm. Thay vào đó, toàn bộ các dòng đồng hồ có giá trên 500 CHF đều tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Nhất là phân khúc từ 500 đến 3000 CHF tăng trưởng đến hơn 20%.

Vật liệu chính là yếu tố then chốt quyết định giá đồng hồ Thuỵ Sĩ. Các tiêu chí “Swiss Made” đã thực tế và phát huy hiệu quả, khi nới lỏng nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan và Mauritius. Ví dụ, các bộ phận như mặt số đồng hồ, kính sapphire, dây đeo đồng hồ… khó có thể tự sản xuất tại quốc gia ít tài nguyên như Thuỵ Sĩ sẽ giúp nhà sản xuất đồng hồ Swiss Made chủ động được chất lượng và mức giá đồng hồ.

Cụ thể, tháng 1/2018 trong số 1,9 triệu chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ được xuất khẩu, chỉ có 33.000 chiếc đồng hồ được làm từ chất liệu quý như kim cương, vàng, titanium… nhưng mang lại giá trị hơn 456 triệu CHF. Chất liệu thép không gỉ dùng làm đồng hồ nhiều nhất, hơn một triệu chiếc, mang về 625 triệu CHF.

Đáng chú ý hơn, các mẫu đồng hồ được làm từ hợp kim vàng và thép có doanh thu đứng thứ 3, với 320 triệu CHF. Một phần do xu hướng mua đồng hồ vàng, lẫn đồng hồ trang sức quý để làm tài sản đang tăng trong những năm gần đây.

Nhưng phần còn lại từ chính sách Swiss Made cho phép các nhà sản xuất sử dụng các chất liệu này từ nước thứ 3. Điều này hỗ trợ mạnh mẽ vào phân khúc đồng hồ Thuỵ Sĩ dưới 3000 CHF, mang về doanh thu chính cho ngành công nghiệp đồng hồ nước này.

Ông Lê Hoàng Chương - Giám đốc điều hành Cititime Mall , trong một nghiên cứu của Hội đồng phát triển Thương mại Hong Kong HKTDC cho biết, xu hướng mua đồng hồ cao cấp của người tiêu dùng thành thị dưới 35 tuổi tại Việt Nam đang tăng dần trong những năm gần đây.

“Đồng hồ cao cấp giá cả phải chăng, từ 100 đến 500 USD (từ 2 đến 12 triệu đồng), thường được mua bởi các khách hàng trẻ và trung niên, đặc biệt là các dòng đồng hồ Thụy Sĩ. Những chiếc đồng hồ này có thể được sử dụng cho mục đích văn phòng, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngân sách của khách hàng".

Tương tự, người mua ở các thị trường châu Á khác như Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc đều ưa chuộng phân khúc đồng hồ Thuỵ Sĩ từ 7 đến dưới 70 triệu đồng. Trong báo cáo của FH gần đây, tỷ lệ nhập khẩu đồng hồ Thuỵ Sĩ của Nhật Bản tăng 12,9%, Hong Kong tăng 21,3% và Trung Quốc là 44.3%.

Tác giả: Hồng Đức

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP