Kinh tế

Đồng hồ cổ của bá tước Tây Âu: Đại gia năn nỉ, chủ cũng không bán

Săn tìm những chiếc đồng hồ cổ nguyên bản có tuổi đời hàng trăm năm đang là thú chơi mới của nhiều đại gia Hà thành. Nhất là những chiếc đồng hồ của vương công, quý tộc tư bản Châu Âu.

Thú chơi đồng hồ vương công, quý tộc

Tại một trung tâm bảo hành đồng hồ trên đường Vũ Tông Phan, nhiều người đang xôn xao bàn tán về những chiếc đồng hồ cổ được trang trí trong cửa hàng. Ông chủ tại đây cho biết: “Đã có khá nhiều khách đến bảo hành đồng hồ đã hỏi mua lại, nhưng giá trị thực sự của chúng rất khó đoán định nên tôi cũng chưa có ý định bán.”

Nổi bật nhất trong số đó có lẽ phải kể đến chiếc đồng hồ Pháp với mặt số được làm bằng men sứ. Theo các chuyên gia về đồng hồ thì dựa vào men sứ, cách trang trí và cách làm mặt số thì chiếc đồng hồ này được sản xuất vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ 19. Nếu tính ra tuổi thì khoảng hơn 140 năm.

Chiếc đồng hồ Pháp còn nguyên bản

Theo anh Trịnh Quang Ninh, chủ trung tâm bảo hành cũng là nhân của chiếc đồng hồ này: “Vỏ của nó được là bằng gỗ sồi hoặc gỗ thông, phần viền được gắn các hoạ tiết trang trí bằng đồng. Đặc biệt, mặt kính đồng hồ được làm rất kì công, khi nhìn vào có cảm giác trong vắt như pha lê.”

Nhiều người tò mò bàn tán vì trên mặt số không hề có tên hãng, liệu đây có phải đồng hồ nhái không? Tuy nhiên, chiếc đồng hồ này được sản xuất ở Pháp trong thời kỳ mà phong trào làm đồng hồ vẫn còn theo kiểu nghệ nhân, làng nghề, chứ chưa phát triển thành các công ty có thương hiệu riêng. Mãi đến những năm 1900 thì ở Pháp mới có hàng loạt các công ty tên tuổi làm đồng hồ ra đời.

Giá trị của chiếc đồng hồ này còn nằm ở chỗ, chúng thường chỉ xuất hiện trong các toà lâu đài của các bá tước, huân tước giàu có hoặc trong các nhà thờ công giáo.

Vì thế, nhiều đại gia rất thích đến hỏi mua lại về trang trí trong nhà để thêm phần đẳng cấp, sang trọng, giống giới quý tộc Pháp thời xưa.

Tuy nhiên, anh Ninh chủ nhân của chiếc đồng hồ cũng khá đắn đó không muốn bán dù là bạn bè quen năn nỉ. Vì anh cho rằng, giá trị của những chiếc đồng hồ này rất khác biệt. Ở tay người biết là vô giá, ở tay người không biết thì nó tầm thường và không mang nhiều giá trị vật chất như những chiếc đồng hồ mạ vàng, đính đá.

Sở thích của anh Ninh là sưu tập đồng hồ nên ngoài chiếc đồng hồ quý kia, anh còn một chiếc đồng hồ để bàn khác dòng Antique French Rococo Boulle Clock. Chiếc đồng hồ này cũng có tuổi đời khoảng trên 140 năm.

Chiếc đồng hồ đã được tái bản ở Ý

Đó cũng là dòng đồng hồ của Pháp nhưng đã được tái bản lại ở Ý theo một phong cách khác chứ không phải đồng hồ nguyên bản. Và theo chủ nhân của nó thì, thường những chiếc đồng hồ đã tái bản thì giá trị không được cao như chiếc đồng hồ Pháp nguyên bản kia. Tuy nhiên, nó vẫn có những đường nét độc đáo và mang những giá trị riêng.

Trong số những chiếc đồng hồ cổ mà a Ninh sưu tầm, thì chiếc đồng hồ cây hiệu Kienzle lại là chiếc mà anh đặc biệt tâm đắc nhất. Nó đặc biệt ở chỗ một chiếc đồng hồ bình thường chỉ có 8 gông và chơi 1 bản nhạc.

Nhưng chiếc đồng hồ cây hiệu Kienzle này lại có tới 12 gông và có thể chơi 3 bản nhạc, đó là: Westminster; Whittington; St. Michael. Đó là 3 bản nhạc kinh điển mà các đồng hồ cổ dòng này hay chơi.

Chiếc đồng hồ cây có thể chơi 3 bản nhạc

Chiếc đồng hồ này còn giá trị bởi thương hiệu của nó vẫn còn tồn tại từ năm 1822 cho đến nay. Không giống như đa số các hãng đồng hồ treo tường, để bàn hay đồng hồ cây tại Đức đã bị phá sản trong chiến tranh thế giới thứ I và đại suy thoái kinh tế sau chiến tranh.

Hãng Kienzle vẫn tồn tại và phát triển tới tận ngày nay cùn với hãng Junghans. Đây có thể xem là những hãng đồng hồ danh tiếng lâu đời nhất nhì tại Đức.

“Mổ” chiếc đồng hồ Rolex 200 triệu đồng

Ngoài những chiếc đồng hồ cổ vô cùng giá trị và độc đáo đó, anh Ninh trình diễn cho PV xem một màn “mổ” chiếc đồng hồ Rolex Day Date đời số 5 có giá khoảng 10.000 USD của khách ngay tại bàn để bảo dưỡng.

Đây là chiếc đồng hồ thuộc dạng cao cấp bởi bên trong nó có tới 200 chi tiết, bộ máy 3055, dây vỏ đều được làm bằng vàng nguyên khối 18k. Nếu cùng chất liệu này và dòng này nhưng đời cao hơn (đời số 6) thì giá có thể gấp 4 lần, tương đương 40.000 USD.

Các chi tiết bên trong chiếc đồng hồ 10.000 USD

Model sản phẩm này được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1978. Còn chiếc Rolex này thì được sản xuất vào năm 1982 (do 1 model sản phẩm có thể đc sản xuất trong nhiều năm). Nâng cấp từ máy 3035 lên thành 3055. Máy đạt chuẩn Chrometer - 1 trong những tiêu chuẩn khắt khe nhất trong ngành đồng hồ.

Sản phẩm cao cấp nên đòi hỏi thợ phải có chuyên môn cực tốt vì nếu không sẽ rất dễ “run tay”. Để có thể “mổ” được chiếc đồng hồ có giá bằng cả mảnh đất thế này, anh Ninh đã phải học một khoá giải phẫu đồng hồ cao cấp 5 năm trời và thực hành tiếp 2 năm nữa tại Nhật Bản. Không những thế, gia đình anh còn có nền tảng kinh nghiệm rất lớn khi 3 đời gia truyền đều làm nghề sửa đồng hồ.

Bước đầu tiên trong quá trình mổ đồng hồ


Vì khá nhiều chi tiết nhỏ nên phải mất 30 phút, anh Ninh mới tháo được chiếc đồng hồ ra để bảo dưỡng. Trong khoảng thời gian đó, anh Ninh phải làm theo 21 công đoạn nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của Thuỵ Sỹ để bảo hành cho khách.

Quả thật phải chứng kiến tận mắt mới thấy được một chiếc đồng hồ “khủng” có cấu tạo phức tạp và tỉ mỉ thế nào. Từng đường nét và chi tiết đều được làm rất hoàn hảo.

Anh Ninh khẳng định: “Với những chiếc đồng hồ này, gần như đến thời điểm này chưa có hàng nhái. Bởi để làm được một chiếc đồng hồ giống như thế này đến 90% thì cũng rất kì công và giá trị cũng rất lớn.”

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP