Tin địa phương

Số phận 29 ha 'đất vàng' xây biệt thự tại Đà Nẵng

Cấp sơ thẩm giao Đà Nẵng thu hồi dự án 29 ha liên quan Vũ "Nhôm" với gần 200 căn biệt thự song phán quyết có bị thay đổi hay không phải chờ bản án phúc thẩm.

Chiều 12/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ tuyên án phúc thẩm với 20 bị cáo trong vụ án sai phạm quản lý nhà, đất công sản ở Đà Nẵng, trong số này có hai cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến.

Ngoài trách nhiệm hình sự và việc bồi thường của các bị cáo, cấp phúc thẩm còn quyết định số phận pháp lý của khu đất 29 ha ở khu đô thị quốc tế Đa Phước. Thiệt hại do các bị cáo gây ra trong quản lý khu đất này bị cáo buộc chiếm tới một nửa trong hơn 22.000 tỷ đồng thiệt hại của vụ án.

Theo hồ sơ vụ án, dự án 29 ha thuộc dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê và phường Thanh Bình, quận Hải Châu. Từ năm 2006, trước khi UBND Đà Nẵng và Công ty Daewon ký Thỏa thuận nguyên tắc, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng 79) đã được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng giao hợp tác với Công ty Daewon Cantavil triển khai thực hiện dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước.

Ngày 12/7/2011, ông Văn Hữu Chiến (Phó Chủ tịch UBND thành phố) ký ban hành Quyết định số 5870 giao quyền sử dụng 29 ha đất cho Công ty Cổ phần Xây dựng 79 với giá 87 tỷ đồng để xây dựng khu nhà phố và biệt thự. Trong khi đó, giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất theo giá thị trường của dự án tại thời điểm giao là hơn 4.788 tỷ đồng.

Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cuối tháng 11/2015, Daewon đã ký hợp đồng chuyển nhượng 51% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước cho Công ty Cổ phần xây dựng 79 của Vũ "Nhôm" với giá 340 tỷ đồng.

Sau khi chuyển nhượng vốn góp, Công ty TNHH phát triển nhà Đa Phước đổi tên thành Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước do Vũ "Nhôm" làm chủ tịch. Ngày 30/11/2015, Vũ "Nhôm" ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV phát triển nhà Đa Phước cho ông Võ Ngọc Châu (trú tại TP HCM) với giá 428 tỷ đồng.

Hiện chủ đầu tư dự án 29 ha là Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã xây dựng nhà liền kề thương mại và chung cư cao tầng kết hợp thương mại – dịch vụ và. 189 lô đất biệt thự, diện tích 16.600 m2 đã được chuyển nhượng cho gần 200 khách hàng, tổng giá trị giao dịch 1.280 tỷ đồng. Các công trình biệt thự, đường, trường học, tiện ích đã được đưa vào sử dụng. Người dân sinh sống ổn định.

Bản án sơ thẩm ngày 13/1, TAND Hà Nội yêu cầu UBND Đà Nẵng và các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho công dân tại dự án. Nội dung này sau đó được chính cấp xét xử sơ thẩm đính chính thành "giao UBND Đà Nẵng thu hồi và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất".

Tuy nhiên, đại diện UBND TP Đà Nẵng (nguyên đơn dân sự) là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng khi trình bày tại phiên phúc thẩm đã cho rằng nếu được giao thì việc thu hồi khu đất trên sẽ khó thực hiện, rắc rối vì Công ty nhà Đa Phước là bên thứ ba ngay tình. Công ty đã đầu tư công trình giá trị lớn, nhiều hạng mục đã hoàn thiện đưa vào sử dụng, một số đang thi công. Phán quyết của toà gây khó khăn cho bên thứ ba ngay tình; giá trị đền bù giá trị trên đất sẽ rất lớn, ngân sách khó đáp ứng. Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.

Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước kháng cáo nội dung đính chính trên vì cho rằng bất lợi với mình. Khu đất 29 ha đã được UBND Đà Nẵng chuyển giao cho Công ty Xây dựng 79. Sau đó, Công ty Cổ phần Xây dựng 79 chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Đa Phước theo đúng trình tự thủ tục được ghi nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Do đó, công ty này đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm để đảm bảo quyền lợi của mình với tư cách người thứ ba ngay tình. Nếu dự án bị thu hồi sẽ để lại hậu quả pháp lý nặng nề khi 200 hộ dân mua nhà trong dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đẩy Công ty Đa Phước phá sản bởi khoản vay 1.500 tỷ đồng từ ngân hàng để phát triển dự án.

Còn Vũ "Nhôm" nói Công ty Cổ phần Xây dựng 79 của mình nhận dự án từ nhà đầu tư nước ngoài không phải từ Đà Nẵng. Tuy nhiên, công ty chưa kịp thực hiện gì trên dự án thì Thanh tra Chính phủ vào kiểm tra và kết luận dự án bị thất thoát hơn 570 tỷ đồng. Công ty Xây dựng 79 của Vũ sau đó xin trả đất, nhận lại 87 tỷ đồng đã nộp để mua đất, mà thực tế là mặt nước. Sau đó, công ty của Vũ bán 49% cổ phần công ty cho ông Võ Ngọc Châu. Vũ "Nhôm" cho rằng cơ quan điều tra hiểu nhầm mình bán dự án trên cho ông Châu.

Đối chất lời khai này, ông Châu xác nhận đã mua cổ phần như Vũ khai. Trên khu đất này, công ty ông Châu đã cho xây nhà, bán các căn biệt thự, làm đường đi...

Nêu quan điểm giải quyết vụ án, VKSND Cấp cao tại Hà Nội nhận định đây là dự án vi phạm nên thu hồi là có căn cứ và đề nghị giao UBND Đà Nẵng thu hồi, đấu giá và ưu tiên người làm đúng theo quy định pháp luật.

Cũng liên quan dự án này, nhiều bị cáo bị kết luận có sai phạm liên quan đều kêu oan tại toà. Cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh cho rằng các cơ quan tố tụng đối chiếu Luật Đất đai để quy kết ông sai phạm là không chính xác. Với khu đất này, việc thực hiện phải được đối chiếu với Luật Đầu tư.

Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Điểu phủ nhận cáo buộc tham mưu đề xuất giao cho Công ty Xây dựng 79 dự án đất trên không qua đấu giá, đồng phạm với ông Trần Văn Minh, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 11.000 tỷ đồng. Khu đất 29 ha chỉ là một hạng mục công trình nhỏ trong dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước. Việc giao đất này được thực hiện theo Hiệp định bảo hộ đầu tư (ký năm 2006). Công ty Dawon Catavil là pháp nhân nước ngoài, khi liên doanh với công ty Việt Nam và có quyền được thuê đất. Việc giao đất này cũng đúng với quy định về đất đai của Việt Nam. Đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng thì không phải qua đấu giá. Bên cạnh đó, đất này đã giao cho nhà đầu tư thì không đấu giá.

Ông Điểu còn khẳng định việc giao khu đất không gây thiệt hại mà còn làm lợi cho Đà Nẵng. Việc giao đất vì thế chính xác, đúng pháp luật.

Phiên phúc thẩm mở từ ngày 4/5. Theo bản án sơ thẩm , từ năm 2006 đến 2014, chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến là những người đứng đầu, có trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, quản lý đất đai trên địa bàn Đà Nẵng. Tuy nhiên, hai ông cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các quy định về quản lý đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho Vũ "Nhôm" trục lợi cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất công sản và các dự án bất động sản. Sai phạm của các bị cáo khiến nhà nước thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng.

Tác giả: Bảo Hà

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP