Bản thân Bộ Nội vụ đã sáp nhập, giải thể được 4/6 đơn vị đào tạo thuộc Bộ |
Sáng 15.1, tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2019, Bộ Nội vụ cho biết tính đến thời điểm 27.12.2018, số lượng vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 248 tổ chức, giảm 12 tổ chức.
Tuy nhiên, số lượng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, lại tăng 7 tổ chức, lên 125 tổ chức. Số tổng cục và tương đương tăng 2 tổ chức, lên 29 tổ chức.
Số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 102 đơn vị, giảm 8 đơn vị.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành 8 nghị định quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ. Tính đến thời điểm cuối 2018, số lượng ban (vụ) thuộc cơ quan Chính phủ là 52 tổ chức, giảm 1; đơn vị sự nghiệp là 154 tổ chức, giảm 37.
Theo đó, tính đến thời điểm như trên, số lượng vụ, cục thuộc tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ (không tính hai Bộ Quốc phòng và Công an) là 291 vụ và tương đương thuộc tổng cục, tăng 6 tổ chức; 102 cục và tương đương thuộc tổng cục, tăng 2 tổ chức; 128 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục, tăng 5 đơn vị.
Cả nước sáp nhập, giải thể được 185 cơ quan chuyên môn cấp huyện
Về sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Bộ Nội vụ cho biết có 4 địa phương đã tiến hành hợp nhất hoặc giải thể sở, giảm được 5 cơ quan.
Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu hợp nhất Sở GD-ĐT và Sở KH-CN thành Sở giáo dục, Khoa học và Công nghệ; hợp nhất Sở VH-TT-DL với Sở TT-TT thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch.
Tỉnh Bắc Ninh đã giải thể Sở Ngoại vụ. Hà Giang thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức tỉnh ủy và Sở Nội vụ. Lào Cai hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - xây dựng.
Về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, có 15 tỉnh đã tiến hành sắp xếp, giảm được 185 đầu mối. Trong đó, nhiều nhất là Quảng Ninh giảm được 28 cơ quan bằng việc thí điểm hợp nhất 14 Ban tổ chức huyện ủy với Phòng nội vụ; 14 Ủy ban kiểm tra huyện ủy với Thanh tra cấp huyện; thứ hai là tỉnh Yên Bái giảm được 27 đầu mối với thí điểm hợp nhất 9 Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện với Văn phòng Huyện ủy; 9 Ban tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ, 9 Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra cấp huyện; thứ 3 là Trà Vinh giảm được 24 đầu mối với việc thí điểm hợp nhất 8 Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện với Văn phòng Huyện ủy, 8 Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ, 8 Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra cấp huyện.
Một số tỉnh khác giảm được nhiều đầu mối bao gồm Lạng Sơn (20 đầu mối), Quảng Nam giải thể 18 phòng y tế, tỉnh Bắc Kạn giải thể 16 đơn vị (8 phòng dân tộc và 8 phòng y tế).
Cũng theo thống kê của Bộ Nội vụ, năm 2018, sau sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã thực hiện năm 2018, cả nước không có biến động về số lượng. Hiện cả nước có tổng cộng 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 11.162 đơn vị hành chính cấp xã.
Đã giảm được 40.500 biên chế hay 86.300 biên chế? Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014 đến năm 2018 là 40.500 người (năm 2015 giảm 5.778 người, năm 2016 hơn 11.900 người, năm 2017 hơn 12.600 người và năm 2018 là 10.139 người), trong đó, số người hưởng chính sách về hưu trước tuổi là 34.948 người và số người cho thôi việc ngay là 5.483 người. Lý giải sự khác nhau giữa con số này với số lượng giảm biên chế gần 86.300 người, trong đó có 12.400 công chức, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong báo cáo kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, Bộ Nội vụ cho biết số do Thủ tướng nêu là số biên chế công chức và biên chế sự nghiệp trong các bộ, ngành, địa phương đã giảm trong 3 năm 2016 - 2018 (bao gồm cả những người về hưu, thôi việc ngay… theo quy định của pháp luật và 40.500 người nghỉ hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 108 mà Bộ nội vụ thống kê). Bộ Nội vụ cũng dự kiến tổng biên chế công chức, sự nghiệp năm 2019 giảm khoảng 44.510 người, trong đó, biên chế công chức giảm hơn 5.510 người, biên chế sự nghiệp giảm 39.000 người. |
Tác giả: Vũ Hân
Nguồn tin: Báo Thanh niên